Việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn sử dụng vốn đầu tư công sẽ giải phóng một nguồn lực quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội. Ảnh: QH
Hạ tầng lớn cần vốn tư nhân lớn
Các dự án hạ tầng sẽ giải phóng một nguồn lực quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ tổng quy mô lên tới gần 350.000 tỉ đồng.
Cụ thể, với giải pháp tài khóa, Chính phủ đề xuất có tổng quy mô là 291.000 tỉ đồng, trong đó bao gồm chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gần 114.000 tỉ đồng. Việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn sử dụng vốn đầu tư công sẽ giải phóng một nguồn lực quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ giao thông (VARSI), cho rằng, việc dồn lực đầu tư thật nhanh các tuyến cao tốc đã và đang là một đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, nếu cộng cả 6 dự án nằm trong danh mục Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì từ nay đến hết năm 2025, trung bình mỗi năm, ngành giao thông vận tải phải giải ngân tối thiểu 100.000 tỉ đồng. Đây thực sự là một thách thức rất lớn, bởi việc chi tiêu vốn Ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực giao thông luôn đòi hỏi trình tự phức tạp, thủ tục rất chặt chẽ.
Các bản quy hoạch đường bộ, cảng biển, đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt có tổng nhu cầu vốn sơ bộ đến năm 2030 khoảng 1,45 triệu tỉ đồng. Nhu cầu đầu tư khác về hạ tầng y tế, công nghệ, giáo dục, xử lý rác thải, nước thải... cũng rất lớn để cải thiện chất lượng đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Vì vậy, thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia lĩnh vực này là vô cùng cấp thiết. Ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của World Bank tại Việt Nam, cũng cho rằng đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực tư nhân. Đầu tư vào lĩnh vực thương mại và hậu cần, cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu là vô cùng quan trọng cho phục hồi cũng như tăng trưởng trong tương lai.
Với lợi ích lớn như vậy, các giải pháp thúc đẩy dòng vốn đầu tư công cần sớm được triển khai nhằm tận dụng được thời cơ để trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như hướng đến tăng trưởng dài hạn.“Các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là những chương trình đầu tư công quan trọng trong tương lai. Về vấn đề cơ cấu tài chính, các quy định hướng dẫn cơ cấu tài chính theo các khoản vay PPP được phê duyệt gần đây sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Việc phân bổ rủi ro một cách công bằng sao cho khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân là rất quan trọng, nhưng nếu có rủi ro tồn đọng, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các công cụ như bảo lãnh và những cơ chế hỗ trợ khác”, ông Rahul Kitchlu nhận định.
Thực tế, thực hiện các dự án PPP giao thông có nhiều khó khăn, nhất là khó huy động nguồn vốn tín dụng do tình trạng nợ xấu của các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) chưa được cải thiện và không hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công cao, sự lệ thuộc đòn bẩy tín dụng ngân hàng trong các dự án giao thông theo những hình thức này ngày càng trở thành nút thắt khó gỡ.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ dự án, Ngân hàng BIDV, cho rằng, không chỉ BIDV, các ngân hàng cho vay BOT lớn ở giai đoạn trước cũng đã thắt chặt tín dụng dành cho BOT.
Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất nên tiếp tục quán triệt chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân.
Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Ảnh: Quý Hòa. |
Chẳng hạn, có thể đa dạng các loại hợp đồng PPP, thay vì chủ yếu áp dụng hợp đồng BOT. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FECON, cho rằng, cơ chế đầu tư PPP theo hình thức BT đã chấm dứt do lo ngại về sự thiếu minh bạch trong xác định giá trị đất thanh toán cho dự án hạ tầng. Để khắc phục vấn đề này, FECON đề xuất đẩy mạnh cơ chế đầu tư theo hình thức BLT (xây dựng - cho thuê - chuyển giao). Nguồn để trả tiền thuê dự án có thể bố trí từ nguồn đấu giá đất, đấu giá tài sản công, bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước... hoặc các nguồn thu khác.
Ông Trần Chủng cho rằng, ngoài BOT, mô hình O&M được áp dụng khá nhiều tại một số quốc gia phát triển đường cao tốc nhất, như Nhật hình thành các công ty để quản lý, khai thác, vận hành các tuyến cao tốc của cả vùng. Với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sau khi hoàn thành, nếu đấu thầu chọn nhà đầu tư vận hành theo hợp đồng O&M cũng là giải pháp tốt. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Chính phủ có thể xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi, để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư dự án.