Khu Đông sẽ tiếp tục là tâm điểm của mọi sự chú ý trong các năm tới. Ảnh: reatimes.vn

 
Nguyễn Sơn Thứ Ba | 08/12/2020 15:30

Hạ tầng đẩy sóng khu Đông

Khu Đông sẽ tiếp tục là tâm điểm của mọi sự chú ý trong các năm tới khi trăm ngàn tỉ đồng được đầu tư vào hạ tầng khu vực này.

Cú hích từ hạ tầng

Khu Đông tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường bất động sản khi liên tiếp đón nhận nhiều cú hích mới về đầu tư với giá trị lên đến hàng chục tỉ USD. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1777 về chính thức phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Như vậy, siêu cảng hàng không này sẽ phải hoàn thành giai đoạn 1 từ đây đến năm 2025 với tổng vốn đầu tư được rót lên tới 4,7 tỉ USD. Giai đoạn 1 của dự án sẽ đáp ứng đón nhận các loại tàu bay hiện đại nhất, phục vụ cho khoảng 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đồng Nai mới đây đã hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1.

Ở TP.HCM, sau khi chủ trương thành lập thành phố phía Đông được Quốc hội thông qua, chính quyền TP.HCM đã nhanh chóng lập kế hoạch đầu tư cụ thể đẩy nhanh tiến độ đề án này. Chỉ tính riêng phần cơ sở hạ tầng, TP.HCM dự kiến sẽ dành hơn 300.000 tỉ đồng để  phát triển 4 nhóm công trình gồm chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro, xe buýt nhanh (BRT), đường thủy; bến bãi và vận tải công cộng. Trong đó, ngân sách thành phố sẽ chịu trách nhiệm 83.000 tỉ đồng, phần còn lại dự kiến lấy từ nguồn khác như Trung ương,  vốn ODA hay hợp tác công tư.

 

Đồng Nai, địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ sân bay Long Thành, cũng ráo riết triển khai các dự án hạ tầng, hướng tới đồng bộ hóa với cảng hàng không này, lấy trục phía Nam (Long Thành, Nhơn Trạch) làm hướng phát triển chính. Theo đó, địa phương dự kiến quy hoạch hơn 2.700 ha diện tích đất để phát triển hơn 300 khu đô thị thương mại, khu dân cư. Phần lớn các dự án nằm trên các trục đường xung quanh sân bay, hệ thống đường kết nối các cảng biển, tuyến cao tốc, quốc lộ.

Cụ thể hóa cho chiến lược nâng tầm diện mạo đô thị, mới đây chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khởi công cầu Vàm Cái Sứt nằm trên dự án đầu tư, nâng cấp Hương lộ 2 kết nối từ Quốc lộ 51 đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi hoàn thành xây dựng, Hương lộ 2 sẽ trở thành một trong những trục kết nối quan trọng giữa Đồng Nai với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM, đồng thời “đánh thức” được sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ven sông Đồng Nai với nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn đang được triển khai.

 

Ở bên kia sông Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã gửi văn bản đến Trung ương đề xuất kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành với đường Long Phước (quận 9) để đồng bộ nhằm kết nối với tuyến vành đai 3 và Khu Công viên khoa học và công nghệ (quy mô 166,2 ha) tại Long Phước. Sự đồng bộ của khu Đông trong thời gian tới còn phải kể đến một loạt công trình như cầu Cát Lái, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 8-10 làn xe hay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu...

Thách thức trước mắt

Nắm bắt cơ hội của các chính sách mới, một số doanh nghiệp bất động sản đã nhanh nhạy săn tìm các dự án tiềm năng có quy mô lớn trong thời gian qua ở khu Đông, đặc biệt  tại thành phố Thủ Đức và trục Long Thành - Nhơn Trạch. Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sông Tiên, chẳng hạn, thâu tóm Khu Đô thị du lịch Nhơn Phước (Nhơn Trạch) với quy mô hơn 200 ha, hay Bamboo Capital đã mua một lô đất rộng hơn 1,1 ha ở trung tâm Thủ Đức...

Ảnh: Quý Hòa
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong 10 năm tới khu Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức cần khoảng 300.000 tỉ đồng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: Quý Hòa

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong 10 năm tới khu Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức cần khoảng 300.000 tỉ đồng để phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, Thủ Đức sẽ là 1 trong 3 khu vực điểm nóng của bất động sản TP.HCM. Nơi đây có đủ điều kiện và tiềm lực để bứt phá, trở thành điểm nóng mới của thị trường với tốc độ đô thị hóa nhanh bậc nhất TP.HCM trong tương lai.

Chỉ tính phạm vi thành phố Thủ Đức, nguồn cung căn hộ mới dự kiến sẽ tăng 11,5% mỗi năm giai đoạn 2020-2025, tương đương 15.000-16.000 căn hộ mỗi năm, vượt qua khu vực phía Nam (4,6%) và phía Tây (5,3%). Giá bán sơ cấp của các dự án mới tại khu vực này sẽ tăng 20% trong những năm tới so với mặt bằng hiện tại, đặc biệt những dự án mới dọc theo tuyến metro sẽ có thể tăng 40%.

Nhưng thách thức cũng không ít. Khu Đông được đầu tư mạnh tay nhưng vẫn còn đó những quan ngại về vấn đề kẹt xe hay ô nhiễm môi trường. Theo CBRE, cũng như các thành phố lớn khác, TP.HCM đang chịu nhiều thách thức như tiếng ồn, ùn tắc giao thông và mức độ an toàn dân sinh. Để giảm những tác động này, các chủ đầu tư đặc biệt chú trọng về thiết kế nhà, như thêm những thiết bị giảm tiếng ồn hoặc thiết kế lối vào ra sao cho hợp lý và tiện lợi nhất.

 

Thêm vào đó, mặc dù cơ sở hạ tầng và mức độ kết nối là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy thị trường bất động sản, sự phát triển đồng bộ của các dự án dân dụng và dự án thương mại nhằm đáp ứng đủ tiện nghi và tiện ích cũng rất quan trọng để có thể mang đến sức sống mới cho Thành phố Phía Đông.

Giám đốc cấp cao một công ty bất động sản lớn cho rằng giai đoạn hậu đại dịch, dòng sản phẩm chủ đạo sẽ là phải đảm bảo được các yếu tố liên quan đến sức khỏe, sự riêng tư và tạo dòng tiền ổn định. Theo đó, mô hình bất động sản sinh thái, khu đô thị vệ tinh cần hướng tới tích hợp nhiều sản phẩm với mức giá khác nhau và phù hợp với từng phân khúc khách hàng.