Thứ Sáu | 22/03/2013 21:37

Hà Nội sẽ lập tổ công tác và đường dây nóng gỡ khó cho doanh nghiệp

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội sẽ chi 50 tỷ cho công tác xúc tiến thương mại tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Ngày 22/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo.

Thông tin từ Hội nghị cho biết, để hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, UBND thành phố Hà Nội sẽ dành 50 tỷ cho công tác xúc tiến thương mại tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; triển khai có hiệu quả Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể...

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp của Hà Nội, gói 50 tỷ xúc tiến thương mại là chính sách cụ thể và thiết thực của UBND thành phố. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị, trong giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố cần quan tâm đến kích cầu đầu ra, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong nước.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thành phố cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại như hội nghị này để các doanh nghiệp có thể đóng góp các ý kiến, đồng thời đánh giá kết quả các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến vào các cơ chế chính sách, các doanh nghiệp cho biết tiếp cận nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay. Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Đỗ Quang Hiển nói, quỹ bảo lãnh tín dụng quy định phải có tài sản bảo đảm nhưng hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp. Nếu có tài sản, thậm chí các doanh nghiệp này đã có thể đến vay của ngân hàng mà không cần thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2012, thành phố đã không thu 13.000 tỷ đồng tiền thuế của các doanh nghiệp và năm nay tiếp tục triển khai các giải pháp về lãi suất, các cấp ban, ngành, đơn vị cần triển khai khẩn trương, hiệu quả.

Để xử lý 5.789 căn hộ đang tồn đọng, Hà Nội sẽ tiếp nhận xem xét đề nghị của chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ; điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, chính quyền tích cực hỗ trợ là một mặt, còn mặt khác các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm đầu ra, tăng cường hợp tác.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành các quy hoạch ngành lĩnh vực, quy hoạch phân khu, các cơ chế chính sách đồng bộ, đồng thời tăng cường cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong việc thực hiện các quy định của nhà nước...

Dự kiến trong tháng 4/2013, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ thành lập tổ công tác và đường dây nóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện