Hà Nội giảm dần nguồn vốn tạm ứng cho chương trình bình ổn giá
Năm 2014, TP Hà Nội tiếp tục dành hơn 276 tỷ đồng tạm ứng vốn cho doanh nghiệp (DN) dự trữ hàng BOG. Song chương trình sẽ được thực hiện theo hướng tăng dần tính chủ động của DN thông qua việc giảm dần nguồn vốn tạm ứng. UBND thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ DN phát triển mạng lưới bán lẻ và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại.
617 điểm bán hàng bình ổn giá
Được triển khai trên địa bàn Hà Nội từ năm 2007 với mục đích ban đầu là BOG những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, tới năm 2010, chương trình BOG đã được TP Hà Nội triển khai trong 10 tháng mỗi năm với mục đích bảo đảm đầy đủ nguồn hàng thiết yếu với mức giá ổn định phục vụ đời sống nhân dân.
Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, với sự hỗ trợ của thành phố thông qua việc cho DN tạm ứng vốn với lãi suất 0% để trữ hàng BOG, các DN tham gia chương trình đã tích cực mở rộng mạng lưới bán hàng rộng khắp trên địa bàn. Ngoài việc mở mới điểm bán hàng, các DN còn thực hiện liên doanh, liên kết để đưa hàng tới tận tay người tiêu dùng.
Nếu như năm 2010, chỉ có 397 điểm bán hàng BOG thì tới năm 2013 đã có 617 điểm, trong đó phục vụ 193 bếp ăn tập thể và khoảng 1.646 điểm bán hàng liên doanh, liên kết. Các điểm bán hàng BOG đều thực hiện nghiêm việc treo biển nhận diện theo mẫu của thành phố quy định để người dân dễ dàng nhận biết và giám sát việc thực hiện của DN.
Để hàng BOG tới được tận tay những người có thu nhập thấp, các DN đã tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất giúp công nhân, người lao động được tiếp cận nguồn hàng chất lượng tốt, giá rẻ và được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Nếu như năm 2010, có 61 chuyến bán hàng lưu động được tổ chức thì tới năm 2013, các DN đã thực hiện 526 chuyến, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, chương trình cũng gặp phải không ít khó khăn. Nguyên do là số DN tham gia chương trình còn khiêm tốn, nhiều DN có mạng lưới phân phối lớn chưa tích cực hưởng ứng.
Trong khi đó, do hệ thống kho dự trữ phân tán, nhỏ lẻ của các DN tham gia BOG, nên việc vận chuyển hàng hóa vào nội thành gặp nhiều khó khăn. Hệ thống điểm bán hàng lại tập trung tại khu vực nội thành, nên việc mua sắm của người dân khu vực ngoại thành chủ yếu phải trông chờ vào các phiên chợ hàng Việt và các đợt bán hàng của DN.
Khuyến khích doanh nghiệp chủ động nguồn vốn
Với 7,212 triệu dân và khoảng trên 2 triệu lượt người qua lại làm ăn, học tập và du lịch, bình quân mỗi tháng Hà Nội tiêu thụ khoảng 55.000 tấn gạo, 8.500 tấn thịt lợn hơi, 4.250 tấn thịt gà, 75 triệu quả trứng, 3.400 tấn thủy, hải sản đông lạnh, 4,2 triệu lít dầu ăn và 65.000 tấn rau củ tươi. Trong khi đó, nguồn cung các mặt hàng này tại Hà Nội còn thiếu, phải khai thác từ các tỉnh khác hoặc nhập khẩu nên dễ xảy ra biến động về giá.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, qua 7 năm thực hiện, chương trình BOG đã tạo ra những tác động tích cực trong việc giữ ổn định giá thị trường và cung cấp nguồn hàng chất lượng tốt phục vụ đời sống của nhân dân. Thành phố đã chủ động giảm dần sự hỗ trợ của nguồn vốn ngân sách thông qua việc điều chỉnh số vốn cho DN tạm ứng mỗi năm. Nếu như năm 2010, thành phố tạm ứng 400 tỷ đồng để tạm trữ hàng thì tới năm 2013, số vốn tạm ứng chỉ còn 318 tỷ đồng.
Năm 2014, thành phố sẽ thực hiện chương trình BOG theo 3 hình thức: Tạm ứng 276,75 tỷ đồng vốn cho các DN với lãi suất 0% để dự trữ hàng thiết yếu. Hình thức thứ hai là kết nối cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Thành phố sẽ kêu gọi các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thực hiện lãi suất ưu đãi cho DN tham gia BOG trong thời hạn 12 tháng. Hình thức thứ ba là kêu gọi DN chủ động dự trữ hàng BOG.
Các DN tham gia hình thức này sẽ được thành phố hỗ trợ truyền thông, giới thiệu mặt bằng để phát triển mạng lưới phân phối và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm hiểu và khai thác nguồn hàng.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, quan điểm của thành phố là khuyến khích DN tăng tính chủ động khi tham gia chương trình nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, thành phố cũng sẽ tăng cường hoạt động hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia BOG. Vì vậy, để chương trình thực sự có hiệu quả, các sở, ngành liên quan cần lựa chọn những DN có thực lực tốt tham gia.
Trong 5 tháng cuối năm, sau khi thành phố có quyết định tạm ứng vốn, Sở Công thương và Sở Tài chính sẽ họp, bàn giao vốn tạm ứng cho DN tham gia BOG năm 2014. Các điểm bán hàng BOG sẽ được tổng hợp lại và công khai trên Cổng thông tin của Sở Công thương và gửi Chi cục Quản lý thị trường để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Các DN có nhu cầu vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng có thể đăng ký với Sở Công thương để có thông tin về gói hỗ trợ, mức lãi suất và hồ sơ vay vốn.
Nguồn Hà Nội mới