Hà Nội còn thiếu nước trong nhiều năm
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội dự đoán năm nay nắng nóng sẽ kéo dài khiến nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, trong khi đó nguồn cung còn thiếu. Hiện tổng sản lượng nước cung cấp cho toàn thành phố 880.000-900.000 m3/ngày đêm, song tính theo số dân thì toàn Hà Nội cần 1,2 triệu m3.
Vị giám đốc Sở nêu tên hàng loạt "điểm đen" thường xuyên mất nước như phường Định Công Thượng, Định Công Hạ (quận Hoàng Mai) và 2 xã phía bắc Thanh Trì; các khu vực ngõ từ 378 đến 530 Thụy Khuê, số nhà 909 Đê La Thành 1, 297 Đê La Thành 3 cùng khu vực ngoài đê Chương Dương... Nguyên nhân được cho là do cốt địa hình cao và cuối nguồn...
Để tăng công suất nước cho thành phố, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng cần xây dựng ngay đường ống nước sông Đà từ Hòa Lạc về vành đai 3 dài 29 km để vận chuyển thêm 80.000 m3 nước và nâng công suất Nhà máy nước sông Đà lên 600.000 m3. Cùng với đó xây dựng 2 nhà máy nước mặt sông Hồng và sông Đuống trước năm 2030 mới đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của dân đô thị.
"Phương án chống thất thoát, tiết kiệm nước không có tính khả thi. Chúng ta phải đủ nguồn nước mới giải quyết được nhu cầu của người dân, chỉ còn hơn 5 năm thực hiện các dự án theo kế hoạch", ông Dục nói và cho hay nếu các dự án cấp nước hoàn thành đúng tiến độ, đến năm 2020 Hà Nội mới đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân đô thị.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung đảm bảo việc cấp nước cho người dân thủ đô, đặc biệt ngày nắng nóng. Phải xác định "điểm đen" mất nước, những vùng áp lực đường ống không đến nơi và đảm bảo an toàn nguồn nước. Các cơ quan chức năng phải tập trung tìm nguyên nhân khắc phục.
"Mất nước cả ngày trong điều kiện nóng nực thì không ai chịu được", Bộ trưởng chia sẻ và yêu cầu bằng mọi biện pháp để người dân có nước, chủ động tăng cường xe stec đáp ứng ngay nước sinh hoạt cho dân.
Bộ trưởng cũng nhận định đường ống bằng sợi thủy tinh từ Nhà máy nước sông Đà là yếu vì dễ dập gãy. Ông yêu cầu Vinaconex nhanh chóng xử lý các sự cố đường ống, phải chọn vật liệu nghiêm túc làm đường ống mới không để lặp lại sự cố đáng tiếc như hiện nay.
Nguồn VnExpress