Hà Nội cần trên 107.000 tỷ đồng xử lý chất thải rắn
Tuy nhiên, từ thực tế quản lý, vận hành, đặc biệt trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án khu xử lý chất thải đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, trong khi các khu xử lý chất thải hiện có trên địa bàn thành phố đều đang quá tải.
Năng lực thu gom rác thải hạn chế
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Sở đang quản lý 6 đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị có tổng số phương tiện thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt lớn nhất. Nhìn chung, công tác thu gom rác thải thủ công kết hợp với cơ giới như hiện nay là hợp lý; năng lực vận chuyển của các đơn vị tham gia trong khu vực nội thành Hà Nội đủ để vận chuyển hết lượng rác phát sinh trong ngày.
Tuy nhiên, tồn tại gây bức xúc hiện nay là tỷ lệ rác thải tại các khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển đi xử lý đạt tiêu chuẩn còn thấp; vấn đề xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Một số huyện như Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ… , công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận còn những xã nằm xa trung tâm huyện vẫn chưa thu gom được rác thải về xử lý tập trung. Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ ở một số huyện chiếm tỷ lệ từ 50 đến 60%, các điểm lấp này nằm rải rác tại các khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, tại 18 huyện ngoại thành vẫn còn khoảng 304 điểm tồn đọng với tổng lượng rác thải lưu cữu ước 65.000 tấn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhiều tuyến đường xe thu gom rác không thể vào được. Hơn nữa, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra. Đáng lưu ý, các xã, huyện không chủ động trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh.
Cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, công tác quản lý, vận hành thu gom rác thải tại một số quận và huyện ven đô còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề điểm tập kết rác, tập kết xe gom cũng như xe chuyên dùng. Các điểm tập kết rác thải sinh hoạt không cố định, phải thay đổi thường xuyên; các điểm tập kết xe gom và xe chuyên dùng cũng mang tính tạm thời nên khó khăn trong công tác vệ sinh, ảnh hưởng tới mỹ quan của đường phố. Hay việc thực hiện công tác vệ sinh các phương tiện sau ca sản xuất cũng rất khó, dễ xảy ra phản ứng của người dân sống quanh khu vực. Ngoài ra, tuyến vận chuyển rác sinh hoạt từ các quận nội thành lên Khu xử lý chất thải Nam Sơn cách trung tâm thành phố 60km nên cần một thời gian vận chuyển khoảng 2,5 tiếng cho một chuyến vận chuyển gây tốn kém kinh phí...
Khu xử lý rác thải quá tải, chậm tiến độ
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết với đặc thù đất chật, người đông, làng xóm bố trí rải rác nên việc quy hoạch các khu vực có thể xây dựng các khu chôn lấp chất thải rắn quy mô lớn, đảm bảo các khoảng cách ly vệ sinh và nhận được sự đồng thuận của người dân hiện rất khó khăn. Với chức năng quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai khu xử lý chất thải tập trung, quy mô lớn tại Nam Sơn-Sóc Sơn và Xuân Sơn-Sơn Tây.
Theo dự báo, nếu bãi rác này không kịp thời được mở rộng, thành phố sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng về nơi chôn lấp rác và đầu quý 1/2014. Do vậy, một số dự án phụ trợ nằm trong Khu xử lý chất thải Nam Sơn-Sóc Sơn giai đoạn 1 đang được các đơn vị chủ đầu tư gấp rút hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Song, vướng mắc hiện nay của dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn-Sóc Sơn là khối lượng thu gom rác thải công nghiệp do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thực hiện chỉ được 50% lượng rác thải phát sinh; trong khi đó, với các thiết bị hiện có, Công ty này đảm bảo xử lý chất thải nguy hại và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có phát sinh chất thải trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận. Hay tại khu xử lý chất thải công nghiệp Nam Sơn do khó khăn về giao thông nên đã ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện; việc đấu nối nước vào nhà dân cũng chưa thực hiện được vì các hộ đang yêu cầu thành phố có chính sách hỗ trợ giá nước...
Đối với Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn-Sóc Sơn giai đoạn 2, xác định đây là một trong những dự án môi trường cấp bách, Sở Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp, xử lý chất thải rắn cho toàn thành phố trong giai đoạn 2012-2030, đặc biệt trong điều kiện khả năng tiếp nhận rác của khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1 đang quá tải.
Với tổng diện tích đất 73,73ha, dự án này đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khu phía Nam với tổng diện tích 36,26ha. Đối với khu phía Bắc, nhân dân không bàn giao mặt bằng do chưa giải quyết xong việc đền bù ảnh hưởng môi trường khi thực hiện dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn giai đoạn 1. Đến nay, tiến độ triển khai xây dựng khu tái định cư và khu nghĩa trang phục vụ giải phóng mặt bằng dự án, hay việc giải quyết kiến nghị của nhân dân về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, trường học... cho vùng ảnh hưởng môi trường còn chậm, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, do đó còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Còn đối với dự án Khu xử lý chất thải Xuân Sơn-Sơn Tây, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết khó khăn hiện nay là chưa thể hiện rõ chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay, thủ tục đầu tư, chưa có tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho một số công nghệ xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp; chưa có tiêu chí đánh giá năng lực nhà đầu tư cụ thể, sát thực tế dẫn đến tình tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; chưa có quy trình, định mức và phương pháp xây dựng đơn giá đặc thù cho công tác xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp nên không đủ điều kiện tính đúng, đủ giá xử lý rác.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, chế biến rác, tại địa bàn các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp cũng mới trong quá trình thẩm định, hoàn thiện hồ sơ dự án; một số dự án mặc dù đã triển khai nhưng cũng gặp khó khăn về vốn nên hầu hết chậm tiến độ.
Cần trên 107.000 tỷ đồng để xử lý chất thải rắn
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 13 khu xử lý chất thải rắn, 7 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải, 6 trạm trung chuyển chất thải rắn. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế như tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo 3 vùng. Tổng mức đầu tư thực hiện được quy hoạch này ước trên 107.000 tỷ đồng. Các nguồn vốn huy động gồm ngân sách Nhà nước, thu từ nhân dân, vốn vay ODA, vốn vay thương mại và mở rộng các hình thức đầu tư.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt phân biệt rõ trách nhiệm của từng chủ thể từ chính quyền đến các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình. Chủ trương của thành phố sẽ khuyến khích xã hội hóa để đạt được hiệu quả cao nhất, thực hiện từng bước và có lộ trình rõ ràng; đồng thời có cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý chất thải
Trước mắt, đến năm 2015, thành phố phấn đấu tổng lượng rác thải sẽ được xử lý theo các công nghệ tiên tiến đạt khoảng 4.650 tấn/ngày (chưa bao gồm công suất xử lý tại 3 khu xử lý rác thải quy mô cấp thành phố), đạt tỷ lệ xử lý trung bình ước khoảng 86,36%. Thành phố sẽ xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải nhằm tái sử dụng quỹ đất cho các mục đích phát triển khác của địa phương.
Nguồn TTXVN