Hà Nội cần cải thiện dịch vụ logistics
80% thị phần thuộc về DN nước ngoài
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.200 DN cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm các dịch vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, bốc xếp, khai thuế hải quan chủ yếu tập trung tại khu vực TPHCM, nơi thu hút trên 70% hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Riêng Hà Nội có khoảng 800 DN cung cấp các dịch vụ liên quan đến logistics, được phân thành 3 nhóm chính là DN có vốn đầu tư nhà nước, DN liên doanh với nước ngoài và DN tư nhân. Trong đó, DN tư nhân chiếm số lượng chủ yếu (khoảng 80%).
Đặc điểm chung của các DN tư nhân là quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít và chỉ cung cấp một hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi logistics. Do vốn và nguồn nhân lực hạn chế nên tổ chức bộ máy, trình độ quản lý còn đơn giản và trình độ chuyên môn hoá trong tổ chức dịch vụ còn yếu kém. Hơn nữa, mạng lưới dịch vụ nhỏ lẻ và hầu hết các DN tư nhân chưa có đại lý ở nước ngoài nên hoạt động cung cấp dịch vụ còn manh mún, phân tán và kém hiệu quả.
Các DN có vốn Nhà nước chiếm khoảng 20% số lượng các DN cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội đều đã được thành lập từ lâu nên đã hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng (kho bãi, phương tiện vận tải). Một số DN cổ phần Nhà nước tiêu biểu tại Hà Nội như CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans), CTCP hàng hải Macs, CTCP VOSA…
Nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài với hình thức hoạt động là liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài và các DN này đều có chi nhánh tại Hà Nội. Các DN này chỉ chiếm một số lượng nhỏ (khoảng 2%), nhưng thị phần cung cấp dịch vụ của họ lên tới 80%. Nguyên nhân là do các DN này có vốn đầu tư lớn, kĩ năng quản trị cao và được ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Họ chủ yếu cung cấp các dịch vụ vận tải quốc tế và các dịch vụ giá trị gia tăng như tư vấn, cross-docking (kho đa năng phân loại, tổng hợp, hoàn thiện hàng hóa), theo dõi đơn hàng…
Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam tại Hà Nội nhận định, hiện nay các DN Nhà nước và tư nhân chưa có khả năng cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao, vì thế khả năng cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các DN nước ngoài.
Nguyên nhân và giải pháp
Theo ông Trần Nguyên Năm, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì các DN logistics tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng có quy mô nhỏ, mới chỉ phục vụ được DN trong khu công nghiệp hoặc một tỉnh thành, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một nền kinh tế. Chưa kể đến việc lao động trong ngành này chưa được đào tạo bài bản, tính liên kết giữa các trung tâm logistics chưa cao và hệ thống luật, quy định với ngành này còn lỏng lẻo, chưa có định hướng rõ ràng để hỗ trợ DN.
Ngoài ra, ông Tương cũng cho rằng, việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ, vận tải đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu của chủ hàng và cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics.
"Tại địa bàn Hà Nội, đường sắt vào lúc cao điểm như dịp Tết hoặc các kỳ thi đại học vận tải hành khách luôn được ưu tiên hơn hàng hoá gây ra việc trì hoãn trong giao hàng, làm tăng chi phí lưu kho. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trong thành phố xe tải dưới 3 tấn không thể đi qua, nên DN hoặc sẽ thuê xe tải chuyên chở lượng hàng thấp hơn khả năng chuyên chở của xe hoặc lựa chọn tuyến đường khác. Hai cách này đều gây lãng phí", ông Tương nói.
Với những lý do đó, các đại biểu cho rằng, để cải thiện dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô đáp ứng yêu cầu thương mại, xuất nhập khẩu, thành phố cần có các chính sách hỗ trợ phát triển logistics.
Đặc biệt, cần thành lập một bộ phận chuyên trách về logistics tại Sở Công Thương giúp điều hành, giải quyết các vấn đề về quản lý Nhà nước và tiếp thu, tham mưu các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành logistics thành phố phát triển.
Cùng với đó, các DN cung cấp dịch vụ logistics cũng cần nâng cao quy mô, năng lực cung các dịch vụ với chất lượng cao, giá thành thấp; liên kết với các DN xuất nhập khẩu để tạo dựng niềm tin và quan hệ đối tác.
Nguồn Chinhphu.vn