Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú. Ảnh: NHNN.

 
Ngọc Tâm Thứ Năm | 20/06/2024 17:37

Hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt

Ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thấy được sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trước những khó khăn, tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước.

Phó Thống đốc một lần nữa nhấn mạnh 10 giải pháp về công tác tín dụng sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm, thậm chí các giải pháp này sẽ được tập trung với cường độ cao hơn trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành.

Thứ nhất, xung quanh công tác tín dụng để đảm bảo được hoạt động mạnh mẽ, thanh khoản cho nền kinh tế, thanh khoản của các ngân hàng luôn dồi dào, không một ngân hàng nào thiếu vốn. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có biện pháp hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.

 

Thứ hai, ngay từ đầu năm, không còn câu chuyện room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh tín dụng. Ngay từ đầu năm, nếu chỉ tiêu tín dụng gần hết mà cho vay hiệu quả thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng mở thêm cho các ngân hàng thương mại, tuy nhiên vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt.

Thứ tư, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: NHNN.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: NHNN.

Thứ năm, tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Thứ tám, chỉ đạo thông qua hội nghị, truyền thông và qua rất nhiều phương tiện để làm sao đẩy mạnh tín dụng, kể cả góc độ ngân hàng cho vay và khách hàng có nhu cầu vay.

Thứ chín, hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai đồng bộ và đổi mới cả phương thức, không chỉ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh/thành phố mà cả các ngân hàng thương mại tham gia tổ chức, coi đây là giải pháp có tính chất rất trực tiếp để tháo gỡ khó khăn giữa hai bên, qua đó thống nhất, chia sẻ và nắm bắt đầy đủ thông tin của khách hàng.

Thứ mười, thời gian qua đã tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương về công tác tín dụng để cùng phối hợp, chỉ đạo và chia sẻ, cùng hỗ trợ các ngân hàng trên địa bàn.

Phó Thống đốc yêu cầu, các cấp lãnh đạo từ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh/thành phố phải coi công tác tín dụng không chỉ là trách nhiệm với xã hội, doanh nghiệp và người dân mà còn là trách nhiệm với chính chúng ta. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành, đồng thời có chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp đối với ngành Ngân hàng trên địa bàn; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với việc chấp hành các chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. 

Có thể bạn quan tâm 

CASA sẽ hồi phục mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024?

Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước