GTN toan tính gì ở Vinatea?
Giữa tháng 9 này, Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) sẽ lần đầu tiên chào bán toàn bộ 37 triệu cổ phần ra công chúng. Theo sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTN) sẽ là cổ đông chiến lược của Vinatea. GTN còn dự kiến tham gia đầu tư vào Vinatea với tư cách là nhà đầu tư bình thường. Nếu giao dịch diễn ra đúng như kế hoạch, GTN sẽ trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 75% vốn điều lệ và nắm quyền kiểm soát Vinatea sau cổ phần hóa.
So với Vinatea, GTN là công ty “mới toanh”, thành lập chưa tới 5 năm. Tuy nhiên, chừng đó thời gian cũng đủ để GTN tạo bứt phá về nhiều mặt: tổng tài sản tăng gấp 12,7 lần, vốn điều lệ tăng 9,3 lần, doanh thu tăng 27 lần, lãi sau thuế tăng 22 lần.
Tình hình kinh doanh của GTN những năm gần đây |
Với thực lực này, Vinatea cho biết GTN thỏa mãn tiêu chí để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Vinatea. Về bộ máy tổ chức, thông tin từ bản cáo bạch của GTN cho hay Công ty có sự tương đồng với Vinatea khi triển khai theo mô hình mẹ - con. Vì các công ty con đã đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận nên GTN liên tục tìm kiếm cơ hội từ việc đầu tư công ty con. Hiện doanh nghiệp này đã nâng số công ty con từ 3 lên 7 công ty. Ngoài ra, GTN còn đầu tư vào 2 công ty liên kết.
GTN cũng khá giống hoặc liên quan với Vinatea trong lĩnh vực hoạt động. Cụ thể, định hướng phát triển của cả 2 công ty đều chú ý đến các mảng như nông lâm sản, hàng tiêu dùng... Ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch GTN, nhấn mạnh đây đều là những ngành cốt lõi và tạo giá trị gia tăng cao, hỗ trợ GTN trong nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong số các lĩnh vực, GTN ưu tiên phát triển các sản phẩm tre công nghiệp. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Tre thế giới, tổng giá trị sản phẩm tre năm 2015 ước đạt 60 tỉ USD, với thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, Canada, châu Âu (EU).
Hiện tại, công ty con của GTN là Công ty tre Công nghiệp Thống Nhất đang trong tình trạng sản xuất không kịp các đơn hàng, do năng lực chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Vì thế, GTN dự kiến hợp tác với đối tác từ Canada để đầu tư mở rộng lĩnh vực này.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất tre công nghiệp, sản phẩm từ tre (như viên nén gỗ, thực phẩm măng tre, vật liệu nhẹ), GTN còn có kế hoạch hợp tác với một số nông trường cũng như đối tác để sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm đầu tư của GTN là phân bón và nông sản. Trong phân bón, GTN đã bắt tay vào dự án mỏ than bùn ở Tây Nguyên để sản xuất phân vi sinh. Công ty cũng đang thúc đẩy thương mại, tìm đầu ra cho phân bón vi sinh. Đây là những tiền đề cho việc ra đời nhà máy phân vi sinh của GTN. Theo ông Thiện, đã có công ty ở Mỹ quan tâm tới mảng phân bón của GTN.
Ở lĩnh vực nông sản, lâu nay, GTN chủ yếu tham gia vào nông sản ở khía cạnh thương mại. Nhưng với hệ thống phân phối đã được xây dựng, GTN có kế hoạch tham gia vào khâu sản xuất, với việc đầu tư vào vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản cho doanh nghiệp mình.
Chiến lược của GTN là thông qua mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để đặt chân sâu hơn vào ngành này. Năm 2014, GTN đã đầu tư phát triển các mặt hàng ngô, khoai sắn. Trong các năm tiếp theo, GTN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cà phê, tiêu, chè, rau củ quả…
Sau khi nắm giữ 35% vốn điều lệ ở Công ty Thực phẩm Lâm Đồng, một doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và dẫn đầu thị trường với thương hiệu Vang Đà Lạt, GTN lên kế hoạch đầu tư tiếp vào 4 doanh nghiệp nhà nước lớn, hoạt động trong ngành nông nghiệp và tiêu dùng. Rót vốn vào Vinatea nằm trong chiến lược này của GTN. Đây cũng sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của GTN vào một công ty con.
Vinatea không phải là một công ty đang làm ăn tốt. Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần đây của Vinatea đều cho thấy sự suy giảm đáng kể cả về sản lượng lẫn doanh thu. Trong khi đó, lợi nhuận chỉ đạt trên dưới 1 tỉ đồng/năm do chi phí cao. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2015, Vinatea lỗ ròng hơn 7 tỉ đồng.
Nhưng Vinatea có những tiềm năng hấp dẫn đối với GTN. Đó là Công ty luôn duy trì tỉ lệ xuất khẩu ở mức 70-80% tổng doanh thu. Đây cũng là doanh nghiệp tập trung vào trồng, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè, phù hợp với định hướng phát triển của GTN.
Giá trị của Vinatea còn nằm ở tài sản đất đai. Sau khi Nhà nước rút hết vốn, Vinatea vẫn được giữ lại 1.372,7 ha đất nông nghiệp và 112.529 m2 đất xây dựng cơ bản.
Với những lợi thế này, tham gia đầu tư vào Vinatea ở vai trò nắm quyền chi phối có thể giúp GTN mở rộng mặt hàng nông sản, tận dụng thị trường xuất khẩu của Vinatea, có thêm vùng trồng trọt từ quỹ đất nông nghiệp lớn, tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận một khi kinh doanh của Vinatea khởi sắc.
Theo đề án cổ phần hóa Vinatea, từ năm 2017, tức khoảng 2 năm sau cổ phần hóa, kinh doanh của Vinatea sẽ có sự chuyển biến rõ nét. Trong đó, Vinatea ước tính sẽ cải thiện được sản lượng cũng như chất lượng chè búp tươi, nâng năng suất sản xuất từ 9 tấn/ha lên 11 tấn/ha, từ đó sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Vinatea cũng có thể tìm kiếm cơ hội lợi nhuận từ việc gia tăng đầu tư ở những công ty làm ăn tốt như Công ty Chè Nghĩa Lộ, Công ty Chè Liên Sơn…
Nhưng để có vốn đầu tư, theo thông tin cập nhật mới nhất, GTN sẽ huy động 752 tỉ đồng thông qua phát hành 75,2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Số tiền thu về ước tính được dùng để rót vào các công ty cần đẩy mạnh và bổ sung vốn lưu động. Nhưng khoản lớn nhất, 350 tỉ đồng, sẽ được GTN chi cho việc thực hiện M&A các doanh nghiệp cùng ngành.
Trước mắt, để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Vinatea, ngoài chuẩn bị về vốn, GTN phải đảm bảo 2 điều kiện. Đó là không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm đầu sau khi Vinatea cổ phần hóa (trừ khi được Đại hội cổ đông chấp nhận) và vẫn để cho Vinatea tiếp tục quản lý đất nông nghiệp, vườn chè, các hợp đồng giao khoán chè với nông dân. Yêu cầu này không mâu thuẫn với chiến lược M&A của GTN nên Công ty đã có công văn cam kết sẵn sàng đáp ứng các điều kiện trên.
Viết Nguyên