GS Vũ Minh Khương: Việt Nam buộc phải phát triển vì giảm viện trợ
Chiều nay (25/5), Hội nghị đầu tư - Invest ASEAN 2015 với chủ đề "Việt Nam - Công xưởng mới của Thế giới" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh do ngân hàng đầu tư Maybank Kim Eng tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Minh Khương, Giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Singapore, đánh giá cao những tiềm năng của Việt Nam trong thời điểm hiện tại như chiến lược, nhân lực, tài nguyên thiên nhiên. Nói về sự phát triển của Việt Nam, ông Khương chỉ ra các yếu tố thúc đẩy gói gọn trong các nội dung: (1) Khát khao mục tiêu; (2) Phát huy vị trí chiến lược; (3) Tiếp nhận tri thức và (4) Hình thành vốn nhân lực...
Ông Khương nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua 5 năm gần đây, trong đó lưu ý tới chiến lược tập trung vào hàng công nghiệp chế tạo. Đây là một trong những cơ sở để xây dựng Việt Nam trở thành công xưởng lớn của thế giới.
Bên cạnh đó, vị Giáo sư đến từ Singapore bày tỏ tin tưởng vào trình độ dân trí Việt Nam, nguồn nhân lực trẻ, sẵn sàng lắng nghe và có năng lực học hỏi tốt. Bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu gần đây của OECD đã đặt học sinh Việt Nam vào vị trí hạng 12 về kỹ năng học toán và các môn khoa học.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh 3 khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển là sụt giảm các nguồn cho vay viện trợ (do đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình), đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp và dân số mau già. Điều này là thách thức to lớn đối với chiến lược phát triển kinh tế tại Việt Nam cũng như đòi hỏi Chính phủ phải có cái nhìn toàn diện hơn để giải quyết.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Nguyên Dũng, Cục phó Cục Đầu tư Nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư lại cho rằng, thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng nếu không cạnh tranh để phát triển thì nguồn vốn đầu tư trong tương lai có thể giảm.
Theo ông Dũng, Việt Nam có lợi thế về giá lao động, tuy nhiên thiếu đào tạo và thiếu kỹ năng thực tế. Ngoài ra, tính kỷ luật làm việc và tuân thủ các quy định trong lao động của người Việt Nam chưa cao.
Ông Huỳnh Quang Hải, Giám đốc Điều hành VSIP, cho biết từ năm 1994 - 2003, nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nguồn vốn vào miền Nam. Từ năm 2005 đến nay, nguồn vốn này có sự dịch chuyển ra miền Bắc. Trong một góc độ nào đó, nhà đầu tư muốn tìm nguồn lao động rẻ và chấp nhận rủi ro thì đầu tư ở miền Trung.
Ông Hải đánh giá, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để trở thành đầu mối sản xuất trong khu vực, ít nhất là trong 3 năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng cạnh tranh từ các nền kinh tế khác trong khu vực.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả, chuyên gia đều đánh giá cao năng lực nội tại của Việt Nam để trở thành đầu mối sản xuất chủ lực của ASEAN và là công xưởng của thế giới.
Theo ông John Chong, Tổng Giám đốc Điều hành của Maybank Kim Eng, hơn 40% dân số 90 triệu dân của Việt Nam dưới 25 tuổi. Chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng phân nửa chi phí tại Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Tính đến hết năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 60%, đạt 8 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu bùng nổ, cụ thể từ 2005 đến 2014, xuất khẩu trung bình tăng 19,6%, vượt xa các cỗ máy kinh tế ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Khổng Chiêm