Trang Lê Thứ Sáu | 09/03/2018 17:54

Grab Việt Nam phản hồi về nghị định "định danh" taxi công nghệ

Trước dự thảo về nghị định mới siết chặt quản lý taxi công nghệ, Grab Việt Nam đề nghị các nhà quản lý Việt Nam cởi mở hơn.

Grab, Uber "xô đẩy" Vinasun về tỉnh

Uber, Grab bản chất là taxi công nghệ cao?

Tại cuộc họp bàn dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức vào ngày 8.3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đặt vấn đề về việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab.

Bộ trưởng chia sẻ: “Nếu coi Uber, Grab là taxi thì chúng ta phải quản lý số lượng, chứ mới 3,4 năm mà số lượng xe đã tăng tới mấy chục nghìn, vượt cả taxi truyền thống. Cơ quan quản lý nắm rõ, không quản lý được thì tới đây sẽ rất nghiêm trọng. Ở góc độ khác, số lượng xe phát triển nhiều mà việc nộp thuế lỏng lẻo, không được bao nhiêu, trong khi taxi truyền thống ít, nộp thuế nhiều. Suy cho cùng, Uber, Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu họ chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì chúng ta đồng ý. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì mời họ ra khỏi Việt Nam”.

 Grab Viet Nam phan hoi ve nghi dinh
 

Xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe

Trước nhiều vấn đề thực tế đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe.

Cụ thể, các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề như cướp giật, quên đồ. Uber, Grab hoạt động với hàng chục nghìn phương tiện, mới vài năm, nhưng số lượng đông hơn cả taxi truyền thống. Tài xế Uber, Grab phải có hợp đồng lao động chặt chẽ để khi có vấn đề có thể quy trách nhiệm được ngay.

Bộ trưởng khẳng định.: “Sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải tôi rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng trách nhiệm các bên. Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Đặc biệt, phải đảm bảo được an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an khi đi loại hình này. Bất cứ sự việc gì xảy ra đối với người dân phải có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm”.

Phản hồi của Grab Việt Nam

Thay mặt Grab Việt Nam, Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, việc xác định loại hình kinh doanh cho các dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là một quyết định quan trọng và cần thiết. Các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng kết nối xe hợp đồng điện tử như Grab đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người dân, do góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng thông qua việc tận dụng sự nhanh nhạy cũng như các tiện ích của công nghệ cao. Grab luôn mong muốn tiếp tục mang đến Việt Nam những thành quả công nghệ sáng tạo đột phá của Grab mà người dân các quốc gia Đông Nam Á khác đang tận hưởng. 

"Việc định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Cả khu vực Đông Nam Á đang dõi theo, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang dõi theo động thái của Chính phủ Việt Nam trong sự kiện này", đại diện của Grab cho biết. 

Grab hy vọng và tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số.

 Grab Viet Nam phan hoi ve nghi dinh
Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng việc cung cấp ứng dụng kết nối như Grab Việt Nam là thực hiện chương trình mà quốc gia hướng tới - nền công nghiệp 4.0. Ảnh: Infonet

Ông Jerry Lim cũng chia sẻ: "Chúng tôi thật sự mong muốn tiếp tục mang đến Việt Nam những thành quả công nghệ sáng tạo đột phá của Grab mà người dân các quốc gia Đông Nam Á khác đang tận hưởng". Điển hình là dịch vụ JustGrab mà Grab đang triển khai tại Singapore, Malaysia và Thái Lan. Sáng kiến này giúp mang đến một sân chơi bình đẳng giữa loại hình xe taxi và xe hợp đồng khi có thể kết nối khách hàng với xe taxi hoặc xe hợp đồng ở gần nhất nhằm tiết kiệm thời gian đặt xe.