Grab trở thành nền tảng mở, xây dựng "siêu ứng dụng"
Ngày 10.7, tại Singapore, Grab công bố nền tảng GrabPlatform, một phần trong chiến lược nền tảng mở để trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày đầu tiên tại Đông Nam Á. Theo đó, GrabPlatform, một loạt giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép các đối tác truy cập vào các tính năng công nghệ của Grab như logistics và thanh toán.
“GrabPlatform mở rộng thêm nhiều giá trị kinh tế cho cả khu vực Đông Nam Á. Nhiều hơn cả những gì chúng ta có thể tự tạo cho chính mình”, ông Anthony Tan, CEO Tập đoàn và Đồng sáng lập Grab, chia sẻ.
Grab cũng giới thiệu dịch vụ phục vụ cuộc sống hằng ngày mới nhất của mình mang tên GrabFresh - dịch vụ giao nhận hàng tạp hóa theo yêu cầu. Có mặt trên ứng dụng Grab, đây là dịch vụ tích hợp đầu tiên trên GrabPlatform giữa Grab với đối tác HappyFresh - nhà cung cấp hàng tạp hóa số 1 Đông Nam Á.
Hiện nay, dịch vụ kết nối di chuyển của Grab đang tăng trưởng nhanh chóng, với tổng doanh thu (Gross Merchandise Volume - GMV) tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua.GrabFood đã mở rộng từ 2 quốc gia lên 6 quốc gia chỉ trong quý II, với tổng doanh thu tăng gấp 9 lần trong 12 tháng qua. Chỉ riêng trong 5 tháng (tháng 1/2018 đến tháng 5/2018), tổng số lượng giao dịch của Grab Financial đã tăng hơn gấp đôi.
Mọi người đang sử dụng Grab để đi học hay đến chỗ làm, đặt bữa trưa, giao nhận hàng hóa, thanh toán khi mua sắm. Giờ đây, mọi người có thể bỏ qua khâu xếp hàng và mua hàng tạp hóa cho gia đình với GrabFresh. Thông qua việc hợp tác với HappyFresh, khách hàng của Grab sẽ được tận hưởng sự tiện lợi khi có thể mua sắm hàng tạp hóa ngay tại nhà. Khi các sản phẩm tươi sống và đông lạnh được đặt mua, tài xế GrabExpress và đối tác giao nhận có thể giao hàng đến tận cửa nhà trong vòng 1 giờ, hoặc có thể giao đến vào thời gian được hẹn trước thuận tiện cho người nhận. GrabFresh, thông qua HappyFresh, còn cung cấp các giá trị cộng thêm:
-Lựa chọn phong phú với hơn 100.000 sản phẩm tạp hóa từ hơn 50 chuỗi siêu thị và chuỗi cửa hàng đặc sản rộng lớn.
-Nhân viên bán hàng được đào tạo kỹ càng, biết rõ cách chọn đúng mặt hàng và có thể giải đáp, hướng dẫn tận tình. Khi hàng được giao đến, khách hàng có thể từ chối nhận hàng nếu chúng không đáp ứng được yêu cầu.
Dịch vụ GrabFresh sẽ tung bản thử nghiệm tại Jakarta từ tháng 7 này, sau đó sẽ có mặt tại Thái Lan và Malaysia trước cuối năm 2018. Các quốc gia khác sẽ được triển khai sau đó.
Bên cạnh dịch vụ giao nhận hàng tạp hóa, tại Indonesia, Grab cũng sẽ cung cấp thêm “Pulsa", dịch vụ nạp thêm tiền vào tài khoản điện thoại trả trước. Ứng dụng Grab sẽ có thêm tính năng hiển thị nội dung tin tức (news feed), cung cấp thông tin nhiều nhất ngay khi bạn đang di chuyển.
Với việc hiển thị tin tức, đánh giá và thông tin giải trí, người dùng Grab có thể đọc đánh giá nhà hàng, trung tâm thương mại gần đó, xem phim ngắn của các nhà sản xuất trong nước, hoặc chơi trò chơi. Nội dung sẽ được tùy chỉnh theo bối cảnh thời gian cụ thể, ví dụ lúc nào nên ăn sáng trong tháng Ramadan, nên đi bằng xe ô tô hay xe máy trong mùa mưa. Grab cũng công bố hợp tác nội dung với Yahoo. Từ tháng 7 này, người dùng Grab có thể cập nhật tin tức mới nhất mọi lúc tại Singapore, Malaysia và Philippines.
Grab đặt mục tiêu sẽ là công ty Đông Nam Á đầu tiên đạt đến mức doanh thu 1 tỉ USD trước cuối năm 2018.