GPBank sắp “ngã giá” thành công
Trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV 1 cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, tính đến thời điểm này, 9 ngân hàng TMCP yếu kém đã được xử lý. Trong khi đó, tại báo cáo gửi Quốc hội cách đây 1 tháng, người đứng đầu NHNN cho biết, mới xử lý được 8/9 ngân hàng yếu kém. Như vậy, phải chăng thương vụ GPBank bán cho đối tác ngoại vừa được ngã ngũ?
Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư, suốt mấy tháng nay, Tập đoàn UOB (Singapore) đã được NHNN cho phép tiếp cận để nắm bắt tình hình sức khỏe của GPBank trước khi thảo luận về giá cả. Đến thời điểm này, khâu đàm phán đã cơ bản hoàn tất.
“Từ thông tin mà tôi có được, thì UOB và GPBank đã cơ bản thống nhất xong về giá cả. Hiện phía GPBank vẫn đang muốn đàm phán tăng thêm giá của một số tài sản. Khả năng, thương vụ này sẽ diễn ra vào đầu năm 2014, mở màn cho làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng”, nguồn tin cho hay.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, xác suất thành công của thương vụ UOB mua lại GPBank rất cao. Nếu UOB mua lại toàn bộ cổ phần của GPBank, thì GPBank sẽ trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Đây là lợi thế lớn nhất của các ngân hàng ngoại khi hoạt động tại Việt Nam. Chưa kể, nếu mua lại GPBank, UOB sẽ tận dụng được mạng lưới chi nhánh, khá nhiều tài sản và nhân lực sẵn có. Câu hỏi đặt ra là, cho dù thương vụ đã được chuẩn bị từ lâu, khâu đàm phán cũng gần như ngã ngũ, nhưng tại sao GPBank vẫn chưa hoàn tất thương vụ này?
Một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thương vụ chưa xong là do tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đang bị khống chế ở mức 20%.
Hiện NHNN đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.Theo đó, đối với ngân hàng yếu kém, tỷ lệ này sẽ được nới rộng một cách linh hoạt, không loại trừ trường hợp nới lên 100%. Ngay khi Nghị định mới ban hành, GPBank sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để bán lại 100% vốn cho đối tác nước ngoài.
Không chỉ GPBank, trong năm 2014, dự báo, sẽ có nhiều thương vụ M&A ngân hàngdiễn ra. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, NHNN đã phát hiện thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có 2 ngân hàng TMCP. Chắc chắn, các tổ chức tín dụng yếu kém này sẽ bị NHNN “dọn dẹp” trong năm 2014.
Theo dự báo của Công ty Stox Plus, hoạt động M&A năm 2014 ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động do số lượng ngân hàng thương mại sẽ được giảm còn 13 - 15 vào năm 2017. Bên cạnh đó, việc Chính phủ xem xét nới room cổ phần sở hữu của đối tác ngoại với các ngân hàng yếu kém sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường M&A Việt Nam.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, áp lực thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm 2014 – 2015 sẽ khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực này tấp nập hơn.
Năm 2013, Vietnam Airlines và EVN đã thành công trong việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn khỏi Techcombank và ABBank. Tuy vậy, còn nhiều trường hợp khác phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, chẳng hạn EVN vẫn nắm 16,02% vốn tại ABBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn sở hữu 20% vốn tại OceanBank. Một loạt doanh nghiệp nhà nước khác, như Vinatex, Bảo Việt, VNPT… cũng đang nắm cổ phần tại Navibank, Bảo Việt, Maritime Bank...
Đây là những “miếng bánh” vô cùng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Nếu như thị trường năm 2014 thuận lợi cho thoái vốn, cơ hội làm chủ ngân hàng sẽ được mở ra cho nhiều nhà đầu tư mới.
Nguồn Báo Đầu tư