GPBank là trường hợp quốc hữu hóa tiếp theo
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Nguyễn Phước Thanh - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã có kế hoạch xử lý cụ thể với các trường hợp ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Theo đó, GPBank có thể sẽ được quốc hữu hóa giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng VNCB (mua lại với giá 0 đồng).
GPBank là một trong 9 nhà băng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước "điểm danh" trong kế hoạch tái cấu trúc thị trường đợt đầu tiên. Theo kế hoạch ban đầu, nhà điều hành dự kiến GPBank sẽ được xử lý thông qua bán 100% vốn cho một đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, thương vụ không thành công nên hướng quốc hữu hóa mới được tính đến.
Về OceanBank, Ngân hàng Nhà nước cho rằng ngân hàng này bộc lộ yếu kém sau khi một số lãnh đạo vướng vòng lao lý, có thể cũng được xử lý theo hướng này. Ông Nguyễn Phước Thanh cho hay, nếu OceanBank không thể tự xử lý, Ngân hàng Nhà nước buộc phải can thiệp và xử lý giống trường hợp VNCB nếu bị âm vốn quá nhiều.
Năm 2015 dự báo sẽ có nhiều cuộc "kết hôn" tự nguyện của các nhà băng khác. Theo ông Thanh, Nam A Bank nhiều khả năng sẽ xin nhập vào Eximbank.
Trước đó, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời vào Tết Nguyên đán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng hé mở khả năng sẽ có một số nhà băng được xử lý như VNCB. Thống đốc cũng nói thêm, việc này hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Khi các cổ đông làm mất vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì họ phải ra đi để Nhà nước tiếp quản lại nhằm giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, dự kiến, năm 2015 sẽ xử lý từ 6 đến 8 ngân hàng.
Trước Tết Nguyên đán, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cũng hé lộ danh tính một số cặp có thể tiến hành sáp nhập trong năm 2015 như Vietinbank-PGBank; Vietcombank-SaiGon Bank; BIDV và MHB.
Nguồn VnExpress