Gợn sóng đầu tư ASEAN: Việt Nam sẽ hưởng lợi gì?
Malaysia vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vốn vào Việt Nam trong tháng 10, sau khi Janakuasa (Malaysia) chính thức được chỉ định làm nhà phát triển dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2 ở tỉnh Trà Vinh. Được biết, dự án trọng điểm này sẽ giúp đảm bảo cân đối nguồn điện cho khu vực phía Nam và đã được Janakuasa, công ty con của tập đoàn điện lực tư nhân Malakoff, tham gia tư vấn từ năm 2009. Ngoài Việt Nam, Malakoff còn có những dự án ở Indonesia, Oman, Kuwait và Algeria.
Sự vươn lên của Malaysia thể hiện rõ nét xu hướng chung của các nhà đầu tư FDI khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Với tổng vốn đầu tư tích lũy tại Việt Nam là 56 tỉ USD, các quốc gia ASEAN đang chiếm gần 21% quy mô vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam.
3 thập kỷ đầu tư
Ở thập niên 90, tức thời điểm vừa mở cửa đất nước, hầu hết tập đoàn quốc gia lớn trên thế giới đều đầu tư vào Việt Nam. Họ thành lập công ty 100% vốn hoặc liên doanh để tìm hiểu, thâm nhập thị trường, trong số này đã có những nhà đầu tư ASEAN. Tuy nhiên, vào năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chững lại dòng vốn từ các quốc gia khu vực ASEAN chảy vào Việt Nam.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ đầu thập niên 2000. Việt Nam lại ghi nhận một giai đoạn gọi vốn mới, sau khi ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng với Mỹ (2001) và WTO (2007). Trong dòng vốn từ khắp nơi bắt đầu chảy nhiều hơn vào Việt Nam, nổi lên là những quốc gia có nền tài chính và công nghiệp phát triển ở châu Á, đó là Hàn Quốc và Nhật. Hai quốc gia này gắn liền với hình ảnh công nghiệp nặng, bao gồm đóng tàu, ôtô, thép...
Trong thập niên tiếp theo, từ năm 2011 trở lại đây, Việt Nam có sự thay đổi trong chính sách khuyến khích đầu tư. Kết quả là các xưởng sản xuất mang hàm lượng công nghệ cao như nhà máy Intel của Mỹ, Samsung của người Hàn bắt đầu xuất hiện, kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp hỗ trợ.
Trong lịch sử 3 thập kỷ đầu tư tại Việt Nam, thập kỷ thứ 3 ghi nhận nhiều dấu ấn từ các quốc gia ASEAN. Singapore, Malaysia và Thái Lan là 3 người chơi chính nhưng quy mô, cách thức rót vốn không hoàn toàn giống nhau.
Với hơn 33 tỉ USD vốn đăng ký FDI tích lũy, Singapore là nước rót vốn vào Việt Nam nhiều nhất ASEAN (xếp thứ 3 sau Hàn Quốc và Nhật). Quốc đảo này rót vốn vào rất nhiều lĩnh vực nhưng tập trung chủ yếu vào các khu công nghiệp, điển hình là VSIP và các loại hình bất động sản, du lịch.
Trong khi đó, Malaysia chủ trương đầu tư thông qua liên doanh hoặc công ty 100% vốn thuộc các lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, trường học, trung tâm giáo dục và dầu mỏ.
Thái Lan, bên cạnh những dự án lớn, còn thâu tóm hoặc tham gia cổ phần vào những công ty sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, SCG đã đầu tư vào Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong và Prime Group. Ngoài khai thác các ngành công nghiệp, trong lĩnh vực tiêu dùng, người Thái còn chú trọng “đào” kênh phân phối với những thương vụ thâu tóm các hãng bán lẻ tại Việt Nam, bao gồm siêu thị Family Mart, Metro hay Nguyễn Kim.
Cứ điểm sản xuất mới
Hồi tháng 6, Tập đoàn HSBC toàn cầu công bố chiến lược mới là sẽ tập trung dòng vốn nhiều hơn vào khu vực ASEAN. Song Việt Nam không có tên trong bản đồ gọi vốn đầu tư lần này của HSBC. Thay vào đó là Singapore, Malaysia và Indonesia. Bởi vì Singapore có thị trường tài chính phát triển trong khi thị trường Malaysia và Indonesia có quy mô lớn hơn Việt Nam rất nhiều, xét về dân số và GDP.
Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dòng chảy ấy. Lợi thế của Việt Nam là sự ổn định về chính trị và dân số vàng.
Không chỉ đơn thuần là đông dân (Indonesia và Malaysia đông dân hơn), dân số vàng còn mang ý nghĩa về mặt cơ cấu dân số, niềm tin người tiêu dùng và chi phí lao động giá rẻ. Khi chia sẻ với báo giới tại Diễn đàn Kinh doanh 2015, bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc Amata Việt Nam, cho rằng chi phí hoạt động kinh doanh tại Thái Lan ngày càng cao so với Việt Nam.
Hiệp định thương mại cũng là lý do quan trọng khiến dòng vốn ASEAN đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trước đây là Hiệp định Đầu tư toàn diện khu vực ASEAN (ACIA) có hiệu lực năm 2012 và sắp tới là Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC).
AEC dự kiến sẽ thành lập vào cuối năm 2015, với ý tưởng không biên giới về hàng hóa, lao động và cả dòng vốn đầu tư. Nhìn về tổng thể, AEC là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, với khoảng 2.400 tỉ USD, cao hơn 25% GDP của Ấn Độ. Trong thời gian sắp tới, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo Báo cáo Tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng thêm khoảng 13 tỉ USD.
Đầu tư vào Việt Nam còn là biểu hiện của xu thế mở rộng đầu tư từ các quốc gia ASEAN, sau thời gian tích lũy năng lực về vốn và kinh nghiệm. Không kể đến trung tâm tài chính ở châu Á mới là Singapore, ngay cả Thái Lan và Malaysia cũng đã sở hữu những công ty có quy mô tầm khu vực. Xét riêng về lĩnh vực ngân hàng, quy mô ngân hàng hàng đầu của Malaysia vào khoảng 500 tỉ USD, gấp hơn 16 lần so với ngân hàng Việt Nam.
Quan trọng hơn cả, Việt Nam vẫn đang dồi dào “hàng hóa” giao dịch, sinh ra từ 2 xu hướng chuyển dịch quan trọng. Thứ nhất, các công ty có nhu cầu giảm nợ sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Thứ 2, Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình IPO công ty nhà nước.
Trong xu hướng này người Việt được hưởng lợi gì? Đó là sự cạnh tranh và đổi mới. Người thua sẽ phải mất dần thị phần hoặc chịu sáp nhập. Ông Hải, HSBC, dự báo, các thương vụ M&A sẽ diễn ra nhiều hơn và trong vòng 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ có không quá 10 doanh nghiệp lớn nắm giữ các cột trụ của nền kinh tế.
Thanh Phong