Gojek có Bộ trưởng
Khi ông Nadiem Makarim, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Gojek, từ chức, ít ai ngờ ông rời Gojek là để làm... Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia.
CEO làm Bộ trưởng
Thông tin ông Nadiem Makarim từ chức CEO Gojek để gia nhập nội các Indonesia khiến nhiều người “mắt tròn mắt dẹt”. Còn đối với cá nhân ông Nadiem Makarim và cả Gojek, đây là vinh dự lớn, theo TechCrunch.
Trong tâm thư gửi nhân viên Gojek, ông Nadiem Makarim nhấn mạnh: “Trường học và các tổ chức giáo dục của chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tương lai. Đó là lý do vì sao, khi tôi nhận được mệnh lệnh trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục, tôi biết đó là thứ tôi phải làm”.
Ông Nadiem Makarim có lý lịch đáng nể. Ông lấy bằng cử nhân Đại học Brown, đi làm 3 năm tại McKinsey và học MBA tại Đại học Harvard (Mỹ). Ở Mỹ, ông gặp Hooi Ling Tan và Anthony Tan. Cả 3 chơi khá thân và cùng có những bức xúc về chuyện xe cộ tại quê nhà. Hooi thì bị ám ảnh bởi sự an toàn mỗi lần bắt taxi. Anthony trước khi vào Harvard cũng thử lập một dịch vụ taxi. Còn ông Nadiem từ năm 2010 đã lập Gojek nhưng lúc đó chỉ là dịch vụ giúp gọi xe ôm dễ dàng hơn.
Sau đó, cả 3 cùng kết hợp để lập ứng dụng MyTeksi và giành giải cuộc thi kế hoạch kinh doanh của Harvard. Số tiền thưởng 25.000USD đủ để họ mở công ty vào năm 2012. MyTeksi nhanh chóng phát triển thành GrabTaxi và bây giờ là Grab hùng mạnh, thống trị nhiều thị trường Đông Nam Á. Về phần ông Nadiem lúc bấy giờ vẫn duy trì Gojek và tham gia sáng lập, điều hành Zalora Indonesia.
Đến năm 2014, nhà đầu tư chủ động gõ cửa Nadiem Makarim. Khi đó, ông mới nhận ra mình phải tập trung cho Gojek. Gojek ra mắt ứng dụng năm 2015. Dù đi sau Grab nhưng Gojek mau chóng gia tăng quy mô. Theo thông tin từ Công ty, tính đến tháng 6.2019, ứng dụng Gojek cùng hệ sinh thái của Gojek đã thu hút được hơn 155 triệu người dùng, với hơn 2 triệu tài xế đăng ký và trên 400.000 đối tác là nhà hàng cùng hơn 60.000 nhà cung cấp dịch vụ. Gojek hiện hoạt động tại 207 thành phố ở 5 quốc gia Đông Nam Á.
Giữa lúc Gojek tăng tốc mở rộng và phải cạnh tranh quyết liệt với Grab thì ông Nadiem đột ngột rời vị trí để tham gia chính trường. Nhiều nhà quan sát tỏ ra hơi lo lắng cho Gojek và cho chính ông Nadiem bởi trong quá khứ, không ít lãnh đạo doanh nghiệp tham gia chính trường đã không trụ nổi trong Nội các Indonesia tới nhiệm kỳ thứ 2. Ngoài ra, bản thân ông Nadiem cũng chưa từng dấn bước lĩnh vực chính trị.
Dù vậy, ông Nadiem Makarim mới 35 tuổi và có nhiều kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng thích nghi nền tảng kinh tế số. Đây được xem là yếu tố giúp ông khác hẳn các nhân vật trước. Chính phủ Indonesia kỳ vọng, trong vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa, ông Nadiem Makarim sẽ tạo ra thay đổi, phát triển cho nền giáo dục Indonesia, nhất là tháo gỡ nút thắt thiếu hụt kỹ sư công nghệ. Theo Công ty tư vấn quản trị A.T. Kearney, giá trị nền kinh tế số Indonesia dự báo đạt hơn 100 tỉ USD vào năm 2025, nhưng nước này hiện chỉ có 278 kỹ sư được đào tạo trên 1 triệu người mỗi năm.
GoJek và GoViet sẽ ra sao?
Kế nhiệm ông Nadiem Makarim tại Gojek là ông Kevin Aluwi và ông Andre Soelistyo. Cả 2 ông đồng giữ chức vụ CEO và sẽ tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Theo ông Nadiem Makarim, ông Andre và ông Kevin đều đóng vai trò chủ chốt trong chặng đường đưa Gojek từ một văn phòng nhỏ ở Nam Jakarta bước vào sân chơi quốc tế. Cả 2 đã điều hành Công ty trong nhiều năm. Vì thế, trong tâm thư gửi nhân viên, ông Nadiem có niềm tin vào người kế nhiệm và sự chuyển giao lãnh đạo ở Gojek sẽ suôn sẻ.
Thực tế, theo thông tin Tập đoàn, những kết quả đạt được của Gojek, như thực hiện hơn 2 tỉ giao dịch mỗi năm, gọi vốn từ Google, Tencent, Mitsubishi, Visa, AIA và Astra; mở rộng thị trường ra Singapore, Thái Lan, Việt Nam; vươn lên trở thành ứng dụng đa dịch vụ được sử dụng phổ biến nhất tại Indonesia... đều có công lớn của 2 nhân vật kế nhiệm.
Trong cơ cấu quản lý mới, ông Andre sẽ tập trung vào các mảng doanh nghiệp của Tập đoàn, điều hành, phân bổ nguồn vốn, mở rộng thị trường quốc tế cũng như phát triển mảng dịch vụ tài chính và thanh toán. Ông Kevin chuyên lo phát triển sản phẩm của Gojek, chiến lược thị trường, quản lý phát triển tổ chức cùng mảng kinh doanh giao nhận thực phẩm và vận tải. Về phần ông Nadiem Makarim tuy không còn đảm nhận vai trò điều hành hay tư vấn ở Gojek nhưng vẫn là cổ đông, nắm cổ phần ở công ty này.
Nhìn lại 9 năm hoạt động, ông Nadiem Makarim kỳ vọng Gojek sẽ còn lớn mạnh trong tương lai. Tại Indonesia, cùng với Traveloka, Bukalapak, Tokopedia và Ovo, Gojek là 1 trong 5 startup sở hữu giá trị vốn hóa thị trường hơn 1 tỉ USD. Cụ thể, giá trị vốn hóa thị trường của Gojek vào khoảng 10 tỉ USD. Riêng năm 2019, công ty này đã huy động hơn 1 tỉ USD từ Google và 2 ông lớn công nghệ của Trung Quốc là Tencent và JD.
Đối với GoViet, công ty con của Gojek ở Việt Nam, trong 6 tháng vừa qua, đã thay 2 CEO. Chiếc ghế nóng này đến nay vẫn chưa có người đảm nhận. Phía Gojek phân công ông Phùng Tuấn Đức tạm nắm giữ quyền điều hành GoViet trong thời gian chờ có CEO mới. Đây là nhân vật thuộc thế hệ lãnh đạo trẻ (sinh năm 1987) và có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, bán lẻ, thương mại điện tử. Ông Phùng Tuấn Đức từng là Giám đốc mảng Online Groceries tại Adayroi.com của Tập đoàn Vingroup, Giám đốc vận hành chuỗi Cộng Cà Phê.
Tính đến hiện tại, sau hơn 1 năm chính thức ra mắt thị trường, GoViet đã trở thành ứng dụng đa dịch vụ với gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt thức ăn (GoFood), tại Hà Nội và TP.HCM. Tháng 8.2019, GoViet cán mốc 100 triệu chuyến xe, kết nối hàng triệu người dùng với 125.000 tài xế và 70.000 nhà hàng. Tầm nhìn của GoViet là hướng tới trở thành một super-app (siêu ứng dụng) dành cho Việt Nam