Bộ Tài chính, hồi tháng 4 đã đề xuất đánh thuế tài sản, mức thuế suất 0,3%-0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ đồng. Ảnh: Quý Hòa
Gợi ý chính sách cho thuế tài sản nhìn từ Canada
Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính, tại Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”, ngày 26.6, khẳng định: "Thuế tài sản đánh vào bất động sản sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường, tránh đầu cơ".
Việc đánh thuế vào tài sản hữu hình, là nhà và đất, không gây bóp méo chính sách và có khả năng cưỡng chế cao, bà Lê Thị Mai Liên nói trong bối cảnh Bộ Tài chính mong muốn đưa dự án Luật Thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Không có khuôn mẫu chung
Trên thực tế, thuế tài sản là khoản thu định kỳ thường xuyên hoặc khoản thu không định kỳ (phát sinh không thường xuyên) liên quan đến việc sử dụng, sở hữu và chuyển nhượng tài sản.
Sắc thuế này, trên thực tế, không có khuôn mẫu chung nhưng có thể xếp thành 3 nhóm: Thuế đăng ký tài sản (thuế đánh khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản); Thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất (là loại thuế thu hàng năm, đánh vào quá trình sử dụng tài sản) và Thuế chuyển nhượng tài sản.
Bà Lê Thị Mai Liên dẫn số liệu được cho là của World Bank, về việc có 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất. Trong đó,có 65 nước đánh thuế tài, 51 nước đánh thuế bất động sản, 30 nước đánh thuế đất, còn lại là đánh thuế sử dụng đất và thuế nhà, đất.
Trưởng Ban Chính sách Tài chính công cũng cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đánh thuế tài sản đối với bất động sản, nhưng có một vài nước đánh thuế đối với động sản (ô tô, tàu bay, du thuyền) như Hàn Quốc, Kyzgystan, Bungari, Argentina.
Hài hòa quyền và lợi ích
Bộ Tài chính, hồi tháng 4 đã đề xuất đánh thuế tài sản, mức thuế suất 0,3%-0,4% đối với nhà đất có giá trị trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế này góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bình ổn thị trường bất động sản, điều tiết lại thu nhập cá nhân, tăng công bằng xã hội…
Tuy nhiên, về thực tiễn, việc triển khai thuế tài sản là không dễ, dù Việt Nam chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Hiện, nước ta đang thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp (một dạng thuế tài sản), với mức thu chiếm khoảng 0,036% GDP.
Trong khi đó, tại Canada, việc thu thuế được thực hiện ở 3 cấp chính quyền: Liên bang (thuế thu nhập & thuế doanh thu); Bang (thuế thu nhập & thuế doanh thu) và Thành phố/đô thị (thuế tài sản). Theo Viện Fraser, các hộ gia đình Canada trung bình năm 2017 trả khoảng 42.5% thu nhập cho thuế.
Ông Nicolas Drouin, Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, cho biết, thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc: số tiền thuế phải nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu.
Tại Bang Ontario của Canada, thuế tài sản là một nguồn thu nhập chính, do chính quyền đô thị kiểm soát, khoảng 19 tỷ đô la Canada mỗi một năm, tương đương 325.983 tỷ đồng. Ở đây, thuế tài sản dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng: lợi ích chủ tài sản nhận được và khả năng đóng thuế của chủ tài sản.
Thu nhập từ thuế tài sản được dung để trang trải các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp, như giáo dục, y tế, phúc lợi… Các dịch vụ do chính quyền đô thị cung cấp mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản nên chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm đóng thuế.
Theo ông Nicolas Drouin, hằng năm, chính quyền đô thị sẽ xem xét lại nhu cầu ngân sách và bỏ phiếu xác định mức tăng thuế tài sản dựa vào tỷ lệ lạm phát và các nhu cầu về cơ sở hạ tầng mới, nếu cần thiết. Chính quyền đô thị phải tổ chức tham vấn công chúng về nhu cầu ngân sách và mức tăng thuế tài sản liên quan.
Việc đánh giá lại giá trị hiện tại của tài sản được thực hiện 4 năm/lần để đảm bảo giá trị định giá phản ánh sát sao thị trường bất động sản. Việc áp dụng chương trình bình ổn định giá giúp hạn chế tác động của việc tăng giá trị tài sản bị định giá. Các mức tăng giá trị tài sản được phân bổ đều cho 4 năm.
Ngoài thuế tài sản hàng năm, người dân Canada cũng trả 1 lần thuế chuyển nhượng tại thời điểm mua tài sản (khoảng 1-2.5% giá trị tài sản ở bang Ontario). Khi bán, người sở hữu tài sản được miễn miễn thuế lợi nhuận từ tài sản cho nhà ở thứ nhất, nhưng phải trả thuế từ nhà thứ 2 trở đi.
Vị Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cũng khẳng định: “Rất hãn hữu, chính quyền đô thị có thể tịch thu và bán lại tài sản để truy thu thuế”.
Việt Nam đang tìm kiếm nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước trước sức ép tăng chi tiêu, thuế tài sản đánh vào nhà ở sớm hay muộn cũng sẽ được ban hành. Vấn đề là Việt Nam sẽ đánh thuế thế nào, với thuế suất bao nhiêu, để thực sự tạo công bằng xã hội hướng đến điều tiết thu nhập của người giàu ?