Thứ Tư | 15/05/2013 17:42

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất 1,5%

Theo đại diện NHNN, khoản chênh như vậy đã là chia sẻ với doanh nghiệp và người dân bởi mức chênh thông thường của ngân hàng vào khoảng 2-3%.
Theo nội dung Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP mới ký ban hành sáng nay (15/5), 5 tổ chức tín dụng được thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB.

Các ngân hàng dành một lượng vốn tối thiểu 3% trên tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay hỗ trợ nhà ở đối với các đối tượng theo quy định với lãi suất cho vay tối đa 6%/năm. Thời hạn cho vay đối với các khách hàng cá nhân tối thiểu là 10 năm; đối với khách hàng là doanh nghiệp tối đa là 5 năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng dành khoảng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ các ngân hàng thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất tái cấp vốn thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng đối với khách hàng là 1,5%/năm tại cùng thời điểm.

Chia sẻ bên lề Lễ ký ban hành thông tư, đại diện NHNN, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng cho biết, theo thông tư, NHNN yêu cầu các ngân hàng cho vay tối thiểu 10 năm với lãi suất thấp, còn sau 10 năm thì có thể theo lãi suất thị trường. Như vậy, người dân có thể vay 10 - 15 năm hoặc lâu hơn tùy theo khả năng tài chính để các ngân hàng thẩm định và quyết định cho vay.

Đặc biệt, gói hỗ trợ này chỉ là hỗ trợ về lãi suất, về thời hạn và nguồn vốn các ngân hàng thương mại cho vay. Còn về cơ chế cho vay thì các ngân hàng vẫn thực hiện bình thường và không có chuyện hạ chuẩn tín dụng khiến lại gia tăng nợ xấu về sau này.

Theo ông Mạnh, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi quá trình triển khai và nếu có hiệu quả đối với nền kinh tế đồng thời cân đối lạm phát và chính sách tiền tệ, khả năng NHNN thì cơ quan này sẽ đề xuất cụ thể các hướng triển khai tiếp theo.

Về mức lãi suất bình quân không quá 6%, ông Mạnh cho rằng đây là mức hợp lý, thậm chí có lợi cho người dân trong trường hợp lãi suất thị trường tăng. Đối với khoản chênh lãi suất 1,5% sau khi vay tái cấp vốn từ NHNN rồi cho vay lại, ông Mạnh cho rằng, khoản chênh như vậy đã là chia sẻ với doanh nghiệp và người dân rồi bởi mức chênh thông thường của ngân hàng vào khoảng 2-3%.

Về con số 30.000 tỷ đồng, ông Mạnh cho rằng, con số này là phù hợp và được NHNN đưa ra căn cứ vào điều hành chính sách tiền tệ.

Để tránh tình trạng đầu cơ khi một người có thể vay lãi suất ưu đãi đối với nhiều hồ sơ sau bán kiếm lời, ông Mạnh cho biết, trong quy định của Bộ Xây dựng thì một gia đình chỉ được mua và hỗ trợ một lần duy nhất đối với nhà ở xã hội, còn mua thương mại thì không giới hạn. Tuy nhiên, các địa phương sẽ giám sát việc này và nếu phát hiện đầu cơ sẽ thu hồi lại ngay.

Trước lo ngại về việc dòng tiền sẽ chảy vào một số doanh nghiệp thân quen, ông Mạnh cho biết, về mặt tín dụng sẽ do NHNN giám sát, còn Bộ Xây dựng sẽ có tiêu chí để quy định doanh nghiệp nào sẽ được vay vốn. Theo đó, doanh nghiệp phải được Bộ Xây dựng đưa ra thì ngân hàng mới cho vay, rủi ro của khoản vay hoàn toàn do ngân hàng phải chịu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện