Gói 12.000 tỷ cho cà phê vẫn đang chờ... quy hoạch
Đã nửa năm, nhưng gói tín dụng quy mô 12.000 tỷ đồng, dự kiến có lãi suất ưu đãi, mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn chưa thể triển khai. Người dân vẫn tiếp tục kiến nghị.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắc Lắc, qua tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tiếp tục kiến nghị có chính sách vốn ưu đãi cho tái canh cà phê.
Cụ thể, cử tri đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) giảm lãi suất cho vay tái canh cà phê vì mức 10,5%/năm hiện có là cao.
Mức mong muốn theo kiến nghị trên là 6%/năm, được hưởng như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở cho người thu nhập thấp đã triển khai.
Kiến nghị trên tiếp tục được đưa ra sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên hồi tháng 4/2014.
Tại chuyến công tác đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng nguồn vốn quy mô tới 12.000 tỷ đồng, xem xét chính sách lãi suất thấp hơn thị trường và sẽ giao Agribank làm đầu mối giải ngân.
Tuy nhiên, về gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa thể xác định thời điểm cụ thể để chính thức triển khai, bởi chưa có quy hoạch cụ thể cho quá trình tái canh cây cà phê.
Nay, trước kiến nghị nói trên, nhà điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục có văn bản gửi trả lời tới cử tri, trong đó nói rằng: “Đối với chương trình tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê thông qua Agribank”.
Cơ quan này cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt đề án quy hoạch diện tích, lộ trình tái canh cây cà phê; trong đó làm rõ các vấn đề liên quan đến các phương pháp tái canh cà phê, ưu nhược điểm của các phương pháp tái canh… để làm cơ sở cho ngành ngân hàng xây dựng phương án cho vay.
Trong thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt chương trình tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên và nhà nước chưa hỗ trợ vốn, lãi suất, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, Agribank vẫn đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết cho mục đích tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Tính đến 31/7/2014, dư nợ cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn này đạt 390 tỷ đồng, với 2.958 khách hàng để tái canh 3.319 ha.
“Hiện tại, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn đang áp dụng là từ 9%-9,5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 1,5% - 2,5%/năm) đã thể hiện sự cố gắng của Agribank trong việc chia sẻ khó khăn với người dân tái canh cây cà phê”, văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Cuối tháng 10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã “hiệu triệu” các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện giảm lãi suất các khoản nợ cũ thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên về tối đa 10%/năm. Hiện mức trần lãi suất cho vay các nhóm này là 7%/năm, nhưng chỉ áp cho các khoản vay ngắn hạn; lời “hiệu triệu” trên là đối với các khoản vay trung dài hạn.
Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng lần lượt cho biết thực hiện định hướng trên của Thống đốc; thậm chí phía Agribank còn tuyên bố sẽ xem xét mở rộng việc cho vay lãi suất tối đa 10%/năm ở cả các khoản vay thông thường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đang khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay tại từng tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng thời ngành ngân hàng đã sẵn sàng nguồn vốn để cho vay chương trình này.
“Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố quy hoạch tái canh cây cà phê, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với mức lãi suất và thời hạn vay vốn hợp lý với khả năng trả nợ của khách hàng”, văn bản trả lời ý kiến cử tri cho biết.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng dự phòng rằng, để thực hiện thành công chương trình tái canh cà phê, ngoài nguồn vốn của ngân hàng, cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp như cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp; trong đó hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình tái canh cây cà phê.
Nguồn VnEconomy