Chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: Quý Hòa

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 30/07/2020 08:00

Gỗ xuất khẩu xoay xở tìm đơn hàng

Khó khăn của ngành gỗ đặt ra bài toán chuyển đổi thị trường và cách thức sản xuất.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 quý đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 5,04 tỉ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ được xuất khẩu đến thị trường Mỹ chiếm đến hơn 50% tổng kim ngạch với trị giá 2,6 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đây là điều đáng chú ý trong bối cảnh nhiều nhà xuất khẩu trong nước đã phải tạm ngưng giao hàng do nhiều bang của Mỹ áp dụng biện pháp cách ly xã hội vì dịch COVID-19.

Nhu cầu mới và thị trường mới 
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khi thế giới và nước Mỹ bắt đầu xác định việc sống chung với đại dịch là hiển nhiên, thì các dòng sản phẩm gỗ dùng cho sân vườn gia đình, dòng sản phẩm dùng cho nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ (chiếm 60% đồ gỗ cho gia đình người Mỹ) được ưu tiên số 1 và trở thành sản phẩm có nhu cầu lớn trên thế giới.

Ghi nhận của Fox Business cũng cho biết các mặt hàng phục vụ giải trí ngoài trời ở Mỹ đã tăng trưởng tới 360%; còn doanh số bán lẻ trực tuyến của các nhà sản xuất đồ gỗ ngoài trời ở Mỹ tăng trưởng 20% so với cùng thời điểm năm trước.

 


Thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam trụ vững được suốt thời gian qua là nhờ những đơn hàng như vậy. Bên cạnh sự linh hoạt trong việc nắm bắt nhu cầu mới, chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang trực tuyến cũng là câu chuyện đã diễn ra tại các làng nghề.

Như Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ hay làng nghề gỗ Hữu Bằng ở phía Bắc từ đầu dịch đã thành lập nhóm thương mại trên Zalo, Viber và Facebook, bao gồm các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào, với ít nhất cả trăm thành viên tham gia vào các nhóm bán hàng.

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Phát tại Hữu Bằng, Công ty hiện hoạt động chủ yếu theo phương thức bán hàng online và sản xuất theo kênh đặt hàng trên các nhóm này.

Song song với bán hàng online, một số cơ sở sản xuất cố gắng chuyển đổi cơ cấu mặt hàng. Việc đứt gãy các chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nhập khẩu những mặt hàng gỗ từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tạo ra khoảng trống về các mặt hàng này tại thị trường nội địa. Một số cơ sở sản xuất, bao gồm những hộ tại các làng nghề đã nắm bắt cơ hội để sản xuất ra các sản phẩm lấp chỗ trống thị trường trong nước.

 

Một ví dụ điển hình là Công ty Hoàng Phát đang nghiên cứu và chuyển hướng sản xuất về các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em... mà trước đó Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết, doanh nghiệp Việt nên tận dụng cơ hội này chiếm lại nhóm sản phẩm chiến lược như đồ gỗ nội thất, đồ tủ bếp hay sản phẩm gỗ ngoài trời từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Chuẩn bị cho sự chuyển đổi lớn
Ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, cho rằng, thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng như nhiều ngành xuất khẩu khác vẫn trong tâm thế rất lo lắng. Bởi lẽ, không có đơn hàng xuất khẩu thì các công ty đứng bên bờ vực phá sản, còn có đơn hàng xuất khẩu lại lo nguy cơ dịch bùng phát lại, đối tác chậm thanh toán hợp đồng mua hàng.

 


Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty Bùi Chấn Hưng (thành phố Biên Hòa) có sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, châu Âu, cho biết: “Hiện xuất khẩu có khơi thông nhưng chưa trở lại bình thường nên hàng làm ra vẫn phải tạm lưu kho chờ xuất”.

Doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do vốn vay, vốn sẵn có đều đã đổ vào sản xuất sản phẩm. Vì thế, hàng chưa xuất khẩu được khiến hầu hết doanh nghiệp vấp phải tình trạng thiếu vốn để duy trì sản xuất.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khả năng đến cuối quý III và quý IV năm nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ mới phục hồi.

Do đó, giai đoạn này, doanh nghiệp gỗ vẫn đang cố gắng cầm cự và tìm kiếm những đơn hàng tốt.

Tuy nhiên, một thách thức khác là do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc trao đổi, tìm đối tác mới và thị trường mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Bộ Công Thương để mở các đợt đàm phán trực tuyến với các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và những ngành khác mở rộng giao thương.

 

Giới chuyên gia trong ngành gỗ đều có chung nhận định, dịch COVID-19 dù tác động tiêu cực nhưng đã giúp những nhà quản lý ở mọi cấp độ có cái nhìn thực tế và chất lượng hơn vào việc phát triển chiến lược, cũng như sự phát triển bền vững của ngành thời điểm này.

Doanh nghiệp Việt đã không có định vị tốt nhất về sản phẩm và có thể nói đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu suốt thời gian qua, khi cơ cấu sản phẩm không hợp lý, chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không có giá trị gia tăng trong tương lai.

Để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Ví dụ, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược có thể khai thác trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hàng ngàn doanh nghiệp ngành gỗ đang kỳ vọng tháng 8 tới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong xuất khẩu vì EU là thị trường lớn với hàng trăm triệu dân.