Hải Vân
Gỗ và sản phẩm gỗ: Đã đến lúc thúc đẩy tăng trưởng về chất
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019” (*) được công bố hôm 21.2, đã đưa ra những 5 thông điệp chính, cung cấp các thông tin về thực trạng xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam năm 2018.
Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu cao, tăng trưởng ở mức 2 con số, điều này thể hiện động lực phát triển mạnh mẽ của ngành. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỉ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỉ USD) so với kim ngạch năm 2017.
ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu ‘sạch’ tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỉ USD, tăng 7,6% so với 2017.
Thứ ba, dù đang tăng trưởng mạnh, ngành vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của ngành. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ vẫn có tỉ trọng lớn, khoảng 2,19 tỉ USD, chiếm gần 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ.
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam ký FLEGT VPA với EU tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu; tuy nhiên, xuất khẩu sẽ chỉ bền vững khi các rủi ro hiện tại về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung được loại bỏ hoàn toàn.
Thứ năm, cuộc chiến Mỹ- Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên đã có bằng chứng về gian lận thương mại với Việt Nam là quốc gia trung chuyển, cũng như nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư, và điều này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam.
Đại diện Nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, cho rằng, bức tranh vĩ mô về xuất nhập khẩu gỗ các mặt hàng gỗ của Việt Nam năm 2019 sẽ không có nhiều thay đổi. Tăng trưởng trong xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 2 con số, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm gỗ nguyên liệu đang có tốc động tăng trưởng lớn như hiện nay.
Xuất các mặt hàng gỗ sang Trung Quốc, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ xẻ và một số loại ván có thể có những thay đổi, bởi thị trường Trung Quốc luôn tiềm ẩn những biến động, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhóm Nghiên cứu cảnh báo, năm 2019 sẽ chứng kiến việc Vương quốc Anh tách ra khỏi EU song sẽ không có nhiều biến động trong việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh sẽ có thể có những thay đổi có liên quan đến quy định về trách nhiệm giải trình đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vào quốc gia này. Điều này có thể đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam phải thực hiện thêm một số hoạt động nhằm đáp ứng các quy định về trách nhiệm giải trình, kể cả trong trường hợp nếu Chính phủ Anh không đạt được thỏa thuận với EU khi tách khỏi khối này vào cuối tháng 3 năm 2019.
Thêm nữa, sự gia tăng đột biến một số mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam có thể làm phát sinh những cuộc điều tra mới của Chính phủ Mỹ về gian lận thương mại, thậm chí là chống bán phá giá và trợ cấp trong năm 2019.
Về chiến lược dài hạn, Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thay đổi cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu.
Tiến sĩ Phúc nói rằng “đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng”. Điều này, theo ông, đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu khác nhau của chuỗi cung, đặc biệt trong các khâu như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
"Thay đổi cần tiến hành ngay và bây giờ, với thay đổi không phải chỉ đơn thuần là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp mà cần phải có môi trường thể chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các bên liên quan phát huy hết tiềm năng và hiệu quả của mình".
(*) Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019, sản phẩm hợp tác của nhóm nghiên cứu các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends.