Gỡ rào cản cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Chốt giá mua điện gió, trong đất liền mức 1.928 đồng/kWh, trên biển là 2.223 đồng/kWh sau khi thiết lập giá mua điện mặt trời 9.35 US cents/kWh vào cuối năm 2017, Chính phủ đã có những bước tiến quan trọng để năng lượng tái tạo trở thành một phần chủ đạo của nhóm năng lượng sơ cấp, hỗ trợ nguồn cho phụ tải.
Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam, nói rằng, điều cần thiết bây giờ là có các chính sách rõ ràng cho phát triển năng lượng tái tạo. Đó là, hướng dẫn mua bán điện gió theo biểu giá mới và chính sách phát triển điện mặt trời sau tháng 6 năm 2019, để các làn sóng đầu tư được diễn ra theo kế hoạch.
Đưa ra quan điểm này, người đứng đầu ABB đã tái kiến nghị 3 nội dung chính: Quy hoạch trước hạ tầng lưới điện, Hợp đồng mua bán điện (PPA) được chuẩn hóa, Quy trình phê duyệt dự án đơn giản và rõ ràng, của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) và các đối tác, nhằm tạo điều kiện cho điện gió và mặt trời phát triển tại Việt Nam.
Nhu cầu cao hơn tăng trưởng
Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/ năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 8,0-8,5%/năm.
Tiêu thụ điện trong những năm gần đây tăng với tốc độ cao, bình quân 12,04%/năm trong giai đoạn 2003-2018, trong khi dự kiến điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,1 tỷ kWh, tăng 5,5 lần so với năm 2003 là 34,9 tỷ kWh.
Điều này, khiến Việt Nam phải tăng dần nguồn điện từ năng lượng tái tạo để đảm bảo phụ tải, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết tại Hội thảo về Tích hợp năng lượng tái tạo, hôm 7.9.
Theo ông Thành, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) yêu cầu từ nay đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII.
Quy hoạch này kỳ vọng các nguồn năng lượng từ gió và mặt trời có thể đáp ứng mục tiêu trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời vào năm 2030.
Tuy nhiên, một thực tế là Việt Nam mới chỉ đi “những bước đầu tiên“ của hành trình phát triển năng lượng tái tạo. Quy mô và tiềm năng phát triển còn hạn chế so với các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan đã có khoảng 62% tổng công suất lắp đặt, tương đương 3,5 GW.
Ông Nguyễn Minh Quang, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Bộ Công thương, nói rằng năng lượng tái tạo được xem là nguồn quan trọng để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của quốc gia trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Quang cũng tỏ rõ quan ngại việc phát triển năng lượng tái tạo cũng làm gia tăng thách thức lên hệ thống điện, đặc biệt là nghẽn mạch lưới điện, chất lượng điện năng, nhu cầu dự phòng và độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống.
Trong bối cảnh phát triển lưới điện ở Việt Nam còn hạn chế, ông Quang xác nhận, thời gian trung bình xây dựng một công trình lưới điện là 3 năm, trong khi thời gian triển khai một dự án điện mặt trời chỉ trên dưới 1 năm. Ông nói, việc phát triển điện gió như một nguồn chính cho năng lượng quốc gia, cũng làm “gia tăng thêm áp lực“ cho hệ thống điện.
Cần chính sách dài hạn
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang có những thay đổi. Trong khi các nhà đầu tư điện gió vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn bán điện theo giá mới, các nhà đầu tư điện mặt trời lại đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi về chính sách điện mặt trời sẽ thế nào sau 30.6.2019, khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực.
Đã có những cuộc đối thoại cấp cao giữa các thành viên Chính phủ với doanh nghiệp ngành công nghiệp điện. Tổng Giám đốc ABB cho rằng “việc này cần phải tiếp tục nhằm đảm bảo các chính sách và tiêu chuẩn được xây dựng, phát triển dành riêng cho Việt Nam“.
Hiện, suất đầu tư vào năng lượng tái tạo tiếp tục xuống mức hợp lý hơn, từ 5-10% mỗi một năm. Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa nguồn điện để đảm bảo nhu cầu phụ tải.
Ông Brian Hull tin rằng: “Chính sách dự đoán được và mang tính dài hạn” sẽ thúc đẩy nguồn vốn từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á đổ vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Muốn vậy, một điểm được ông Brian Hull nói “rất quan trọng" là Việt Nam cần có “sự minh bạch trong trung và dài hạn" về cơ chế định giá cho năng lượng tái tạo, cũng như cần có phạm vi để tăng cường PPA (Hợp đồng mua bán điện) để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.
Về góc độ kỹ thuật, ông Brian Hull khuyến cáo, Thông tư quy định về lưới điện truyền tải nên được xây dựng để khuyến khích các nhà đầu tư trang trại năng lượng mặt trời đầu tư vào công nghệ phù hợp tại trang trại nhằm giúp giảm thiểu áp lực lên lưới điện quốc gia.
Tính đến ngày 31.3.2017, hệ thống truyền tải điện quốc gia do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý vận hành bao gồm 500 kV và 220 kV, với tổng số 24.365 km đường dây, 140 trạm biến áp với tổng dung lượng máy biến áp là 77.613 MVA.
Tổng Giám đốc ABB Việt Nam cho rằng, những thách thức trong việc tăng cường mạng lưới truyền tải điện quốc gia, đối phó với sự gián đoạn của năng lượng gió và mặt trời, có thể xử lý được bằng công nghệ kỹ thuật số hiện đại.
Việt Nam cần áp dụng công nghệ để khai thác tốt hơn nguồn điện từ năng lượng gió và mặt trời, cũng như ứng dụng công nghệ tích hợp nguồn điện đòi hỏi Việt Nam phải nâng cấp hệ thống truyền tải điện, cũng như số hóa hệ thống kiểm soát, nhằm cân bằng được các nguồn điện trên hệ thống.
Muốn vậy, Việt Nam cũng cần chú trọng giải quyết các vấn đề quan trọng như tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển mạng lưới, tự động hóa lưới điện và lưới điện siêu nhỏ. Đồng thời cung cấp đầy đủ công nghệ trong chuỗi giá trị điện năng, đảm bảo độ an toàn và tin cậy của dòng điện.