Ảnh: Quý Hòa.

 
Tú Cẩm Thứ Năm | 12/03/2020 06:43

Gỗ nội thất phất nhờ công nghệ

Công nghệ đang kết nối các nhà (nhà thiết kế, phân phối, thi công, người tiêu dùng) tạo sự liền mạch, chuyên nghiệp hơn cho thị trường gỗ nội thất...

Những showroom nội thất thế hệ mới với khái niệm “one-stop shopping” (điểm dừng mua sắm một chỗ ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dùng) đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các showroom hiện đại này không chỉ bán giường tủ, bàn, ghế... mà còn cho phép người dùng có thể tự phối cảnh 3D ngay với những món hàng họ muốn mua ở đây.

Để tăng hiệu quả bán hàng, không ít công ty sản xuất nội thất đã mạnh tay chi tiền để được sử dụng các phần mềm thiết kế hiện đại. Theo đó, dựa trên các thông số về diện tích căn hộ, mẫu mã sản phẩm, màu sắc, giá, thậm chí là tuổi, mệnh của chủ nhà để hợp phong thủy..., công ty sản xuất có thể cung cấp cho khách hàng bản thiết kế tỉ mỉ trong thời gian ngắn đến ngạc nhiên. Chẳng hạn, với phần mềm House3D, chỉ cần nhập kích thước phòng rồi chọn mẫu là khách hàng sẽ có bản thiết kế nội thất trong vòng 20-30 phút. Với các phần mềm thiết kế mới nhất, một nhà thiết kế có thể hoàn thành bản vẽ của mình nhanh hơn từ 10-50 lần so với vài năm trước.

 

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam, cho rằng cách tiếp cận với giới sáng tạo là con đường ngắn và hiệu quả để tiếp cận nhu cầu khách hàng hiện nay. Đối tượng này cũng sẽ là kênh phân phối hiện đại của ngành gỗ. Hiện các công ty phần mềm như House3D sẽ liên kết với An Cường, Malloca, AConcept... để lấy thông tin về màu sắc vật liệu, mẫu mã sản phẩm rồi nhập vào phần mềm để cho ra các bản vẽ. Nếu khách hàng duyệt bản thiết kế, họ sẽ mua sàn gỗ của An Cường, ghế sofa của AConcept, bếp của Malloca...

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hội đang tổ chức các hoạt động kết nối để mối liên kết giữa nhà sản xuất và đơn vị thiết kế được hình thành. Ông cho rằng nếu tiếp cận khách hàng thông qua thiết kế, công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội chinh phục khách hàng ở phân khúc cao hơn.

Những điều này cho thấy sự hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất với giới thiết kế và giới công nghệ đang trở nên khắng khít hơn bao giờ hết. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, bởi sự hợp tác trên đã giúp nhiều công ty gỗ mở rộng thị trường nội địa và tăng giá trị ở thị trường xuất khẩu.

 

Tại khu công nghệ cao TP.HCM, showroom của Công ty AA đang trưng bày 5 bộ sưu tập gồm các thiết kế mới chưa được giới thiệu chính thức ra thị trường. Một chiếc bàn trong bộ sưu tập này dự kiến sẽ được bán ra nước ngoài với giá 10.000USD. Trong đó, lợi nhuận chiếm khoảng 10%, chi phí vật liệu chưa tới 10%, phần còn lại AA sẽ dùng vào việc xây dựng thương hiệu, thiết kế, xây dựng quản trị nhà máy... Hiện tại, Công ty có hơn 100 kiến trúc sư và nhà thiết kế. Do nguồn thiết kế nội địa chưa đủ mạnh, AA hợp tác với cả nhà thiết kế nước ngoài.

Đại diện AA cho biết: “Hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu được không gian nội thất. Lý do là làm cả công trình đòi hỏi nhiều kỹ năng quản trị khác nhau, như kỹ năng quản lý dự án, điều phối chuỗi bắt đầu từ nhu cầu đến khi tạo ra sản phẩm. Đương nhiên, xuất khẩu cả không gian nội thất sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Phát triển sản phẩm này, chúng tôi bắt đầu từ thương hiệu, thị trường và tiếp đến là khâu thiết kế”.

Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp,  năm 2019, tổng giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt 450 tỉ USD, trong đó sản xuất chỉ chiếm 140 tỉ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực sáng tạo - thương mại - thương hiệu. Tiềm năng và dư địa thị trường cho Việt Nam vẫn rất rộng. Hiện hầu hết giá trị của ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn nằm trong lĩnh vực sản xuất. Trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% là giá trị thiết kế. Sản phẩm có thiết kế đẹp thì giá bán càng cao.

Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay là cạnh tranh về chất lượng và tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế với khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. Thống kê của Hội đồng Thiết kế Anh khảo sát 1.500 doanh nghiệp về hiệu quả của thiết kế đối với hoạt động kinh doanh cho thấy, cứ 100 bảng Anh chi cho thiết kế sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu 225 bảng và tăng thêm khoảng 6,3% thị phần.

 

Hai tháng qua, trong các mặt hàng nông lâm thủy sản, xuất khẩu sản phẩm gỗ ít chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, bởi vì ngành gỗ đã sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hiện thị trường Trung Quốc chỉ đứng thứ 3 và chỉ chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Không chỉ thế, một doanh nhân trong nghề còn nhìn thấy mặt tích cực trong bối cảnh khó khăn chung: “Thời gian qua xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp chế biến đồ gỗ từ Trung Quốc sang đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh, đặc biệt về nguồn nguyên liệu, lao động và tiêu thụ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt. Từ kỳ nghỉ Tết đến nay, hầu hết các công ty gỗ Trung Quốc tạm ngừng hoạt động vì chủ doanh nghiệp về nước nghỉ Tết. Đến nay, do ảnh hưởng của dịch cúm, phần lớn các chủ doanh nghiệp người Trung Quốc vẫn chưa sang cho công ty hoạt động trở lại. Đây là quãng thời gian để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có cơ hội tăng tốc sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và đổi mới máy móc, công nghệ”.