Ảnh: QH.
Gỗ nội quay về sân nhà 4 tỉ USD
Sau hơn 10 năm quyết tâm giành lại thị trường nội địa không thành công, các đại gia xuất khẩu ngành gỗ đã phải chọn hướng tiếp cận mới với sân nhà.
Trở về thị trường nội địa
Việt Nam chi gần 500 triệu USD để nhập khẩu hàng nội thất trong năm 2018, dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Theo thống kê của Thương vụ Ý tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân của Việt Nam hiện là hơn 21 USD/người/năm. Con số này cho thấy, thị trường nội thất trong nước đang rất hấp dẫn thương hiệu quốc tế. Đó chính là lý do vì sao nhiều thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, Ý... đều đang có kế hoạch tham gia ngày một nhiều hơn thị trường Việt Nam. Đáng chú ý nhất là kế hoạch của IKEA khi hãng nội thất lớn này đang rốt ráo với khoản đầu tư 450 triệu euro để phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Việt Nam. Hiện nay, thị trường nội thất nhập khẩu Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc áp đảo, chiếm đến 63%, Hàn Quốc 11%, tiếp theo mới đến nội thất Ý. Mặt khác, với kim ngạch xuất khẩu hướng tới con số 10 tỉ USD, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm chế biến gỗ của châu Á.
“Nếu tính giá trị thương mại, thị trường nội thất tại Việt Nam lên đến hơn 4 tỉ USD, cực kỳ hấp dẫn”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định. Theo ông Khanh, Việt Nam là quốc gia đang xuất khẩu gỗ và gỗ nội thất hàng đầu thế giới nhưng thị trường nội địa của Việt Nam lại đang thuộc về những nhà đầu tư lớn như Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan... Trong 10 năm qua, bản thân HAWA cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lấy lại thị trường nội địa nhưng chưa hiệu quả.
Ông Bùi Huy Hùng, Giám đốc Công ty An Cơ, đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm bình, chậu trang trí... sang thị trường châu Âu, cho biết, không phải không có khả năng mà thực tế là doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa. Dù biết đây là thị trường tiềm năng, doanh nghiệp vẫn phải chạy theo các đơn hàng xuất khẩu vốn ngày một nhiều hơn, để đảm bảo tiêu chí “sống còn” nên thiếu động lực lẫn nhân sự tham gia thị trường trong nước.
Thiết lập thế liên kết
Năm 2006, Thiên Ấn Furniture, thương hiệu chuyên cung cấp nội thất gỗ cho thị trường châu Âu, Mỹ... quyết định thay đổi chức năng showroom. Không chỉ là nơi đón khách nước ngoài tham khảo mẫu trước khi đặt hàng, showroom Thiên Ấn bắt đầu mở rộng tiếp thị khách trong nước.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, người sáng lập thương hiệu Thiên Ấn Furniture, nhớ lại, đó là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên ông quyết định thử sức với thị trường trong nước. Chọn hướng sản xuất những đồ bán cổ điển, phù hợp phong cách nội thất của người Việt, Thiên Ấn dần dần được thị trường chấp nhận. Hiện nay, cơ cấu kinh doanh của Thiên Ấn đã thay đổi, nội địa lấn át xuất khẩu tỉ trọng lên đến 80/20.
“Với ngành nội thất, người dùng trong nước đã tin khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã và đang chinh phục thị trường thế giới. Tuy nhiên, với khách hàng trong nước, phải cá nhân hóa được nhu cầu và mang đến cho họ giải pháp về không gian tổng thể”, ông Toàn khẳng định.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết, trước đây các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận người dùng trong nước của HAWA cũng chọn tiêu chí chất lượng quốc tế, giá thành nội địa để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dùng trong nước đã sẵn sàng chi dùng cho nội thất, đòi hỏi của họ đã cao hơn. “Thiên Ấn chọn giải pháp liên kết với những người sáng tạo, là đơn vị thiết kế, các kiến trúc sư... như cánh tay mặt để tiếp cận khách hàng trong nước. Người sáng tạo sẽ đưa ra thiết kế tổng thể, doanh nghiệp sẽ đi vào chi tiết công trình do khả năng sản xuất”, ông Toàn tiết lộ.
Cùng với Thiên Ấn, những doanh nghiệp nội thất lớn trong ngành như Sao Nam, LQ International, Scansia Pacific, AA Corporation... cũng đang đẩy mạnh hợp tác với đội ngũ kiến trúc sư, thiết kế để gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm, thêm kênh tiếp cận khách hàng. Thiết lập liên kết với các đơn vị sáng tạo cũng là cách làm của tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Đơn cử, HAWA ký kết hợp tác với Hội Kiến trúc sư Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ này. Tại Vmark Summit, Diễn đàn Quốc tế về Thiết kế nội thất, tổ chức tại TP.HCM, các nhà thiết kế đã có những ký kết hợp tác và giao lưu, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, HAWA cũng đã tổ chức VIFA GU, một triển lãm thiết kế nội thất nhằm kích cầu thị trường trong nước. Điểm đặc biệt của triển lãm này là không giới thiệu sản phẩm riêng lẻ mà doanh nghiệp kết nối với kiến trúc sư, thiết lập những không gian nội thất đúng gu của người dùng Việt Nam. “Trình độ những nhà sản xuất đồ nội thất Việt Nam không chỉ gia công mà đã bắt kịp nhu cầu, khuynh hướng tiêu dùng thế giới, gia tăng nhiều hơn hàm lượng chất xám bằng thiết kế riêng. Với nội lực hiện nay, việc tiếp cận khách hàng bằng thiết kế, thương mại... sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội chinh phục khách hàng ở phân khúc giá trị gia tăng cao hơn. Nếu hợp tác tốt với những nhà sáng tạo, việc ngành gỗ trở về thị trường nội địa cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Khanh nhận xét.