Công nhân tại nhà máy Scansia Pacific.

 
Hải Vân Thứ Năm | 27/12/2018 14:11

Gỗ lậu từ Campuchia gây rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam

Ngành gỗ xuất khẩu và hưởng lợi từ những luồng cung sạch, không phải từ nguồn gỗ của Campuchia. Tại sao vẫn duy trì nguồn cung này?

Các cam kết của Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1.1.2019. Luật mới này nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ được sản xuất bất hợp pháp vào Việt Nam. 

Thế nhưng, rủi ro về tính hợp pháp của gỗ vẫn rất lớn, đặc biệt nguồn nhập khẩu từ Campuchia rất khó kiểm soát bất chấp việc Tổng cục Hải quan khẳng định nguồn gỗ nhập khẩu từ nước này đang giảm xuống, năm 2017 là hơn 435 nghìn m3 và 9 tháng đầu năm 2018 đã giảm xuống 210 m3.

Nguồn cung rủi ro cao

Kết quả chuyến khảo sát luồng gỗ nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam của Hiệp hội Gỗ Việt Nam do Tổ chức Forest Trend tài trợ, cho thấy tồn tại nhiều vấn đề trong chuỗi cung này, đặc biệt từ phía Campuchia.

Nhà bảo vệ môi trường Campuchia, ông Ouch Leng, cho rằng, việc thực thi chính sách về lâm sản của Chính phủ Campuchia là không hiệu quả. Xét từ những số liệu của các tổ chức thế giới, cũng như những bằng chứng mà ông thu thập được, vẫn tồn tại nhiều hoạt động vi phạm pháp luật ở cả khâu khai thác và buôn lậu gỗ.

Theo Ouch Leng, gỗ bất hợp pháp từ Campuchia vẫn được xuất khẩu chính sang Trung Quốc và một phần sang Việt Nam.  Do đó, ngay khi EU và Việt Nam đàm phán VPA, “chúng tôi đã đi thu thập bằng chứng về gỗ lậu, gửi thư có 2.000 người ký phản đối xuất khẩu gỗ lậu, tới EU, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia.

Go lau tu Campuchia gay rui ro cho nganh go Viet Nam
 

Campuchia có nhiều luật về nông nghiệp và môi trường rừng, trong đó có Luật Lâm nghiệp 2002, nhưng Ouch Leng nói “không có một cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn được nạn phá rừng và buôn lậu gỗ”.

Độ che phủ rừng của Campuchia, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc đã giảm mạnh từ 73% vào năm 1990, giảm xuống 57% vào năm 2010. Campuchia trở thành nước có tỉ lệ phá rừng cao thứ 5 thế giới khi độ che phủ rừng tiếp tục giảm xuống mức 48% vào năm 2014.

Ouch Leng, người nhận Giải thưởng môi trường Goldman năm 2016, cho rằng, lợi ích cho các nhà quản lý trực tiếp có liên quan tới việc khai thác và buôn lậu gỗ quá lớn, lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ thay đổi cung cách quản lý. Ông cho đó là lý do lớn nhất duy trì các hoạt động này.

Theo quan sát của Ouch Leng, tình trạnh xuất khẩu lậu gỗ sang Việt Nam chỉ giảm xuống vào năm 2015, dịp Campuchia tổ chức bầu cử và tăng trở lại sau đó, giữa lúc Chính phủ Lào đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm chấm dứt xuất khẩu gỗ vào Việt Nam.

Trong khi đó, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhập khẩu liên quan đến đường đi của nguồn gỗ Campuchia vào Việt Nam đều khẳng định đã có rất nhiều nỗ lực để giảm nguồn cung này. “Chúng tôi chỉ cấp giấy phép nhập khẩu khi có giấy phép xuất khẩu CITES của Campuchia”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, bà Lê Thị Thanh Huyền, cho biết.

Xác nhận gỗ Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai, nhưng Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho rằng lượng nhập khẩu đang giảm xuống. Bà nói, thuế thu từ gỗ nhập khẩu của tỉnh Gia Lai năm 2018 đạt hơn 50 tỉ đồng trong khi năm 2017 đạt khoảng 120 tỉ đồng.

Kết quả chuyến khảo sát luồng gỗ nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam, cũng phát hiện một điểm quan trọng, thậm chí là lỗ hổng về chính sách, không chỉ là thực thi chính sách.

Lâu nay, các chi cục kiểm lâm vẫn được xã hội nhìn nhận có vai trò lớn trong vấn đề xác định nguồn gốc gỗ, nhưng thực tế lại rất khác. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Nhĩ, cho biết, hoàn toàn không nắm được số liệụ, cũng như tính pháp lý của luồng gỗ từ Campuchia vào Gia Lai.

Rủi ro từ một luồng cung nhỏ có thể hất đổ “bát cơm” của ngành gỗ Việt Nam. Ngay cả khi xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ của Việt Nam liên tục gia tăng trong 25 năm qua, từ khoảng 200 triệu USD năm 1993 lên 9,3 tỉ USD năm 2018, tăng 15,9% so với năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp

Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu và hưởng lợi từ xuất khẩu không phải từ nguồn gỗ của Campuchia, mà từ các luồng cung gỗ nguyên liệu khác, những luồng cung rất sạch từ châu Âu, từ Mỹ.  Vấn đề đặt ra: Tại sao vẫn duy trì nguồn cung nhỏ này ?

Trách nhiệm với quốc tế

Việc cấp phép FLEGT cho những lô gỗ xuất khẩu vào EU theo VPA/FLEGT sẽ chính thức được triển khai vào đầu năm 2020. Một Kế hoạch hành động thực thi VPA/FLEGT đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhằm đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp là cần, song đủ ngăn chặn nguồn cung rủi ro cao từ Campuchia.

Một bức tranh toàn cảnh về chuỗi cung ngành gỗ chưa thực sự được phổ biến rộng khắp, trong khi nó bao gồm hợp phần nguyên liệu đầu vào có tính rủi ro cao, tác động tiêu cực đến ngành gỗ của Việt Nam.

Ngành gỗ Việt Nam đang chơi trên sân quốc tế, yếu tố bắt buộc là sản phẩm này phải có nguồn gốc hợp pháp ngay từ Việt Nam. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trend, cho rằng: “Cả hai phía, Việt Nam và Campuchia, đều phải có trách nhiệm về vấn đề gỗ với quốc tế”.

Go lau tu Campuchia gay rui ro cho nganh go Viet Nam
 

Vị chuyên gia của Forest Trend phân tích, việc duy trì nguồn cung gỗ từ Campuchia vẫn duy trì cho tới nay, lỗi cả hai phía.

Về góc độ quản lý, phía cơ quan quản lý Campuchia chưa làm đúng chức năng của mình trong việc kiểm soát chuỗi cung, trong khi các cơ quan quản lý phía Việt Nam cho rằng, "không thể qua Campuchia để xử lý vấn đề này".

Phía Việt Nam nói đúng nếu nhìn nhận theo nghĩa mỗi một quốc gia có chủ quyền riêng. Tính pháp lý của sản phẩm gỗ là do quốc gia cung sản phẩm phụ trách. Nhưng một khía cạnh quan trọng, các cơ quan quản lý của Việt Nam không đề cập, đó là "sản phẩm gỗ không dừng lại ở Việt Nam".

"Một thực tế, Việt Nam không thể thuyết phục quốc tế bằng quan điểm không thể sang Campuchia để kiểm chứng tính hợp pháp nguyên liệu gỗ nhập Việt Nam. Bởi vì, theo các cam kết, Việt Nam phải có đủ bằng chứng tin cậy về nguồn gốc gỗ hợp pháp, không chỉ là trên gấy tờ, mà còn phải được kiểm chứng độc lập bởi bên thứ 3", ông Phúc nói.

Xử lý nguồn cung rủi ro từ Campuchia, ông Phúc cho là việc "Việt Nam có thể làm được trong tầm nay”. Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên đặt ưu tiên vào chuyện phát triển cơ chế giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể từ nguồn cung có rủi ro cao này.

Muốn vậy, Chính phủ Việt Nam nên đề nghị Chính phủ Campuchia nhìn nhận trực tiếp vào vấn đề này, đồng thời tạo nhóm hành động, bao gồm các bộ ngành có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ và xuất nhập khẩu, đưa ra những yêu cầu chính thức và đề nghị hợp tác, tới Chính phủ Campuchia theo đường ngoại giao.

Cùng với những kết quả tốt đẹp từ Đối thoại song phương về chính sách về thương mại gỗ giữa Việt Nam và Campuchia hồi cuối tháng 10, nhằm đảm bảo tính hợp pháp và bền vững, ông Phúc tin rằng “không có lý do gì mà Chính phủ Campuchia từ chối những đề nghị này”.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ một số nguồn cung có độ rủi ro cao, trong đó có nguồn từ Campuchia, nước có tỉ lệ phá rừng cao thứ 5 thế giới.