Gỡ khó cho vàng phi SJC
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 2/2013 đã có một tấn vàng phi SJC tạm xuất và dự kiến còn 9 tấn vàng loại này sẽ tiếp tục được 4 ngân hàng bán ra nước ngoài trong tháng 3/2013. “Sau đợt này tổng số lượng vàng phi SJC của các ngân hàng và một số DN không còn lớn” - ông Minh nói.
Có thể nói việc tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Trên thực tế, kể từ khi vàng miếng SJC được công nhận là thương hiệu quốc gia, các loại vàng miếng phi SJC hầu như không còn giao dịch trên thị trường; người nắm giữ vàng phi SJC đều có tâm lý muốn chuyển đổi sang SJC. Thậm chí nhiều người dân gửi vàng tại các TCTD trong đó có cả vàng phi SJC cũng muốn nhận lại vàng SJC khi đến kỳ đáo hạn. Bởi vậy, các TCTD đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC.
Về nguyên tắc, số vàng phi SJC này phải được SJC kiểm định rồi mới thực hiện chuyển đổi. Tuy nhiên, việc làm này rất mất thời gian do năng lực của SJC chỉ có hạn. Trong khi đó giá cả thị trường biến động từng giờ đã làm mất đi cơ hội kinh doanh của nhiều DN.
Bởi vậy, việc cho phép tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu theo chuẩn quốc tế sẽ giúp SJC rút ngắn được thời gian kiểm định để tập trung vào sản xuất. “Cách thức chuyển đổi này đắt hơn so với tự kiểm định và dập đúc trong nước, nhưng nếu tiếp tục chờ đợi một mình SJC xử lý, thời gian sẽ kéo dài vài tháng”, một chuyên gia phân tích.
Bên cạnh đó, ngay cả khi chưa gia công thành vàng SJC, việc cầm vàng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế cũng khiến các TCTD không bị chôn vốn, do các ngân hàng có thể sử dụng số vàng này như một công cụ để thực hiện các hoạt động vay mượn với NHNN.
Thực tế vàng dự trữ quốc gia lâu nay cũng có một phần không nhỏ được tích trữ bằng vàng nguyên liệu dưới dạng chuẩn quốc tế để khi cần thiết có thể giao dịch trên thị trường quốc tế. Có vàng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, những tổ chức kinh doanh còn có thể đáp ứng nhanh được việc can thiệp thị trường vàng trong nước khi NHNN cần can thiệp. Từ đó khắc phục được rất nhiều vấn đề chênh lệch giá vàng giữa trong và ngoài nước đã vênh nhau đến 4-5 triệu đồng/lượng do thị trường vàng hiện không thông với quốc tế.
Giới chức ngân hàng nhìn nhận việc tạm xuất vàng miếng phi SJC cũng sẽ không tạo ra những cơn biến động giá vàng gây áp lực lên tỷ giá. Bởi về nguyên tắc, các TCTD đã có tài khoản ở nước ngoài. Còn nếu có ký quỹ, đặt cọc thì cũng chỉ ở mức 15-10% giá trị số vàng tạm xuất, tái nhập thì khó có thể ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ.
Bên cạnh đó, số vàng miếng trong nước bán ra nước ngoài bao nhiêu sẽ nhập vàng nguyên liệu bấy nhiêu và các TCTD xuất lô vàng này xong, nhập về mới chuyển đổi tiếp lô vàng khác chứ không phải thực hiện cùng lúc cả 9 tấn vàng nên cũng không ảnh hưởng gì đến thị trường vàng.
Ngoài ra, hiện giá vàng trong nước cũng đang cao hơn giá vàng quốc tế, nên sẽ hạn chế thiệt hại đối với các TCTD thực hiện tạm xuất, tái nhập. Nhất là trong bối cảnh giá vàng thế giới hiện đang rớt mạnh về quanh ngưỡng 1.559 USD/oz, giá vàng kỳ hạn trong vòng hơn một tháng tới cũng không có kịch tính và ở mức 1.554 USD/oz.
Như vậy điều kiện để bán vàng miếng trong nước ra để mua lại vàng nguyên liệu theo chuẩn quốc tế lúc này rất thuận lợi cho những ngân hàng được cấp phép tạm xuất tái nhập vàng.
Sau đợt đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác về thương hiệu quốc gia SJC, quyền lợi của người dân khi nắm giữ vàng sẽ được đảm bảo hơn. Điều còn lại trên thị trường vàng chỉ là giá vàng. Nếu quy định người mua bán vàng cuối cùng của NHNN được Chính phủ thông qua, thị trường vàng miếng sẽ uyển chuyển và không thể nói đầu cơ đẩy giá và giá vàng trong nước sẽ về sát với giá vàng thế giới.