Ảnh: TL

 
Hải Vân Thứ Năm | 19/03/2020 09:00

Gỗ dán Việt Nam bị vạ lây vì Trung Quốc

Kim ngạch 309 triệu USD năm 2019 có thể khiến Bộ Thương mại Mỹ điều tra sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam.

Cuối tháng 2.2020, khi ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đang chủ trì hội nghị về thực trạng ngành gỗ, thì nhận được công văn đóng dấu “hỏa tốc” của Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương. Công văn do Cục trưởng Lê Triệu Dũng ký, thông báo việc Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

Vấn đề lớn của ngành

Ông Lập cho đây là vấn đề lớn làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp gỗ dán trong nước làm ăn nghiêm túc và uy tín trên thị trường quốc tế. Sản phẩm được yêu cầu điều tra lần này là mặt hàng gỗ dán cứng (hardwood plywood) có mã HS theo phân loại của Hải quan Mỹ. Theo nguyên đơn, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm nhanh, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019, sau khi DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc hồi tháng 1.2018, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98-194,9%.

Nghi ngờ gian lận xuất xứ sản phẩm gỗ dán hình thành trong bối cảnh các mặt hàng này có lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và lượng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh. Bên nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc. Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019. Vifores ước tính, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nước làm gỗ dán, phần còn lại là FDI. Ông Lập cho đây là “cơ hội để làm sạch nội bộ”, song có thể khiến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chịu ảnh hưởng.

Tận dụng thời gian 45 ngày DOC xem xét đơn kiện, Vifores đã khuyến cáo các doanh nghiệp gỗ dán khẩn trương xem xét lại hồ sơ, chứng từ liên quan. Tuy nhiên, để chứng minh sản phẩm gỗ dán Việt Nam không lẩn tránh thuế của Mỹ, các bộ ngành liên quan cần làm việc với các địa phương rà soát và kiểm tra nhằm loại bỏ những dự án "đầu tư núp bóng". Bộ Công Thương cũng cần khởi động chương trình tăng cường kiến thức về phòng vệ thương mại, cũng như xây dựng mẫu báo cáo đạt chuẩn theo yêu cầu của Mỹ cho các doanh nghiệp gỗ dán, những vấn đề doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và VCCI, hai đơn vị chịu trách nhiệm cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần siết chặt hơn hoạt động xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ, đặc biệt cấp C/O cho các doanh nghiệp FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Loại bỏ rủi ro

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị kiện lẩn tránh thuế, song hầu hết các vụ việc đều liên quan đến Trung Quốc. Việt Nam từng mất 6 tháng để giải quyết vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với sản phẩm gỗ dán xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định, sau khi áp thuế chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2006, mức thuế là 240 USD/m3, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam đã tăng đáng kể từ năm 2010. Lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2010 và trước đó chỉ đạt 3.250m3, nhưng trong năm 2013 đã tăng lên 10.052m3 và năm 2014 là 24.065m3. Lần này, Việt Nam đã chứng minh được sản phẩm gỗ dán không lẩn tránh thuế khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Kiện Việt Nam ra DOC, có thể Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng lo ngại lợi ích đang bị ảnh hưởng khi thị trường Mỹ có nhiều hơn sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, nếu gỗ dán có xuất xứ từ Việt Nam bị xác định là lẩn tránh thuế, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với thuế mang tính trừng phạt rất cao, mức cao nhất áp dụng với hàng hóa của Trung Quốc và có hiệu lực từ thời điểm khởi xướng. Chuyên gia về phòng vệ thương mại, ông Lê Sỹ Giảng, cho rằng điều này sẽ gây bất lợi cho Việt Nam. Khi mức thuế tăng lên, gỗ dán khẩu từ Việt Nam sẽ có giá cao hơn ở thị trường Mỹ và như thế, sức cạnh tranh của gỗ dán Việt Nam cũng sẽ giảm theo tương ứng. Các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ phải cân nhắc khi mua gỗ dán của Việt Nam.

Ông Giảng, người từng là Trưởng Ban Điều tra phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương, nói rằng, làm ăn với Mỹ, những rủi ro pháp lý từ thị trường này là không tránh khỏi. Giải pháp tốt nhất là doanh nghiệp tự trang bị kiến thức pháp lý cần thiết để phòng ngừa và xử lý khi sự việc xảy ra. Đối với những vấn đề pháp lý vượt quá tầm giải quyết của doanh nghiệp, việc thuê luật sư là cần thiết. Chi phí thuê luật sư có thể làm tăng chi phí, nhưng bù lại, doanh nghiệp có những hướng dẫn đáng tin cậy để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Mỹ liên tục điều chỉnh các chính sách kinh tế, thương mại kể từ khi nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, đạt 5,1 tỉ USD năm 2019. Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nói rằng: “Điều quan trọng là các thông tin về ngành cần chính xác và minh bạch, phản ánh bức tranh thực tế của ngành. Các thông tin này cần được làm nền cho việc đưa ra các quyết sách, cân bằng các ưu tiên, giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai”.

Rủi ro trong thương mại quốc tế gia tăng tỉ lệ thuận với số lượng hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký kết. Theo Tiến sĩ Phúc, xác định rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro là “điều kiện sống còn” của ngành gỗ trong việc duy trì ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống có các yêu cầu cao về tính pháp lý và bền vững của sản phẩm như nước Mỹ.

Do đó, việc kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhằm loại bỏ rủi ro trong gian lận thương mại cần ưu tiên tìm hiểu vào nhóm các mặt hàng có nguy cơ cao, gỗ dán là ví dụ. Đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp trực tiếp tham gia cả xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng này, bao gồm các doanh nghiệp FDI đầu tư mới. Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, loại bỏ rủi ro đòi hỏi ngành cần có quyết tâm chính trị và nỗ lực nhiều hơn nữa, bao gồm cả xác định các ưu tiên trong quá trình phát triển của ngành.