Ảnh: thepeakmagazine.com.sg
Gỗ cũng chuyển đổi số
Dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới đã khiến hàng loạt cuộc triển lãm của ngành gỗ bị hủy bỏ hoặc hoãn vô thời hạn. Tại Việt Nam, triển lãm lớn hàng đầu của ngành gỗ tại TP.HCM là VIFA EXPO, dự kiến tổ chức vào giữa tháng 3, cũng bị hoãn chưa biết đến bao giờ. Lâu nay, phần lớn hoạt động tiếp thị, bán hàng của doanh nghiệp gỗ Việt Nam dựa trên việc gặp gỡ trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm. Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng khác để giới thiệu mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020.
Tăng tốc chuyển đổi
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức Tọa đàm Nền tảng kinh doanh từ offline đến online nhằm tìm ra giải pháp mới. Tại đây, ông Shawn Xu, Phó Chủ tịch Điều hành Silversea Media Group (Singapore), nhận định: “Ngành nội thất đang chuyển đổi rất nhanh. Những khách hàng trẻ cũng thay đổi cách mua hàng. Thay vì đến từng cửa hàng để tìm kiếm sản phẩm thì nay họ tìm sản phẩm và thông tin cửa hàng qua internet, sau đó mới quyết định đến trực tiếp hoặc đặt hàng”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), thương mại điện tử là giải pháp tốt nhất cho ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hiện nay, khi các đơn vị mua hàng không thể đến tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại và khách lẻ ngại đến các showroom. Phó Chủ tịch Vecom cho rằng O2O (Online To Offline), mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức trực tuyến (online) và truyền thống (offline), sẽ giúp phát huy tốt nhất nguồn lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ứng dụng O2O đòi hỏi phải có nhân lực và tài chính vững vàng để đầu tư cho nền tảng kỹ thuật mới. Và dù tiếp cận được nhiều khách hàng online nhưng doanh nghiệp cũng không được quên đi tầm quan trọng của hệ thống showroom, nhà xưởng...
Mới đây, quá trình đàm phán và chuẩn bị hợp tác kéo dài giữa Yes4All với NCT đã đi đến bước cuối. NCT là thương hiệu nội thất chuyên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, còn Yes4All là thương hiệu tham gia kinh doanh trên những sàn thương mại điện tử lớn của thế giới từ hơn 10 năm qua. “Trễ nhất trong tháng 5, các lô hàng nội thất Việt Nam sẽ có mặt trên các kênh bán hàng của Yes4All, một trong những đơn vị bán hàng đang hoạt động tích cực trên Amazon, eBay...”, ông Dzung Nguyễn, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin HMD, thành viên của Yes4All có trụ sở ở California, Mỹ, cho biết.
Trước đây, Yes4All chủ yếu kinh doanh các mặt hàng dụng cụ thể thao. Lý giải về việc mở rộng thêm ngành hàng, ông Dzung Nguyễn cho biết, khảo sát thói quen mua hàng online của người dùng tại Mỹ và thị trường các quốc gia phát triển cho thấy, nội thất sẽ là mặt hàng được đón nhận trong tương lai. Thực ra, từ trước khi COVID-19 xuất hiện, theo đánh giá của The New York Times, sự hấp dẫn của các chuỗi cửa hàng nội thất đã giảm dần khi các trang web thương mại điện tử nổi tiếng như Etsy, Amazon và Wayfair gia tăng cung cấp các mặt hàng tương tự với mức giá thường thấp hơn.
Mô hình O2O
Trong khi xuất khẩu của các ngành hàng hầu hết giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của cả nước 3 tháng đầu năm nay vẫn tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm hoặc ngưng sản xuất nên hạn chế mua nguyên liệu gỗ từ Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp trong nước có nguồn nguyên liệu dồi dào đã tăng công suất sản xuất và xuất khẩu. Các đơn hàng sản xuất sản phẩm gỗ hiện có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Cơ hội trên đang đặt ra bài toán đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng bằng việc tối ưu hóa hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam.
Vừa qua, 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam là HAWA, Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn FPT về việc hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, FPT sẽ tham gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ, góp phần số hóa các hoạt động quản trị văn phòng cho các hiệp hội và thành viên, tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Theo ước tính của các chuyên gia, những sản phẩm tích hợp và tận dụng sức mạnh của các công nghệ lõi (trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, học máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây) có thể giúp doanh nghiệp hoạch định và tối ưu hóa bài toán vận hành, cắt giảm từ 30-70% chi phí. Hệ thống nhà máy sản xuất cũng có thể được vận hành tự động và kiểm soát theo thời gian thực, tiến đến tương lai của các nhà máy không bóng đèn và người vận hành.
Từ đó, việc vận hành, sửa chữa, khắc phục sự cố được thực hiện liền mạch, nâng cao năng suất và tối ưu hóa chi phí. Tại buổi ký kết, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, cho biết: “Vấn đề quan trọng và cần kíp nhất lúc này là các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để có được những kết quả đột phá trong thời gian ngắn”.
Bên cạnh đó, HAWA cũng hợp tác với một số đối tác khác trong các lĩnh vực thương mại điện tử, cung cấp công nghệ thực tế ảo (VR), showroom 3D và cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam. Cụ thể, Vecom sẽ hỗ trợ kết nối hợp tác hội viên của HAWA với các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Wayfair , Shopify... hoặc trung gian bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.