Lê Trang Thứ Ba | 21/11/2017 17:37

Gõ cửa UAE, bước vào thị trường Trung Đông

Thị trường của các tỉ phú giàu lửa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) lại khá dễ tính khi đón nhận hàng hóa từ Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, với vai trò là trung tâm tái xuất hàng hoá lớn thứ 3 thế giới (sau Hồng Kông và Singapore), Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện là quốc gia năng động nhất trong hoạt động thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để trung chuyển hàng hoá vào thị trường châu Phi và EU.

Cửa ngõ vào Trung Đông

Tiềm năng và lợi thế của UAE được doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đoàn chính phủ các cấp sang thăm và làm việc tại UAE. Trong đó, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số hiệp hội như: thủy sản, lương thực, hạt tiêu, da giày, dệt may… thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi giao thương, tham dự hội chợ, triển lãm, hội thảo tại Dubai.

Các sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật gồm có: Hội thảo Doanh nghiệp nông sản và thủy sản (2011), các Triển lãm thực phẩm vùng Vịnh (Gulfood) tổ chức hằng năm, Lễ hội bán hàng Global Village (hằng năm), Triển lãm gạo Dubai (2011), Triển lãm hàng nông sản SIAL 2011 tại Abu Dhabi…Và mới đây là “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Dubai và Buổi kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Dubai” vào ngày 20.11 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư  TP. HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Dubai (Dubai Exports) tổ chức.

Phát biểu tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Dubai", bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng hợp tác nhiều mặt với UAE, coi UAE là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông. Hiện nay, UAE cũng đang định hướng mở rộng họat động và phát triển thị trường sang khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và UAE năm 2016 đạt 5,45 tỷ USD. Tính trong 10 tháng/2017 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,37 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang UAE là điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc các loại, giày dép, hàng nông sản...

Go cua UAE, buoc vao thi truong Trung Dong
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải Quan về tình hình xuất khẩu sang UAE 4 tháng 2016 ĐVT: USD

Về đầu tư, tính đến nay, UAE có 12 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 142 triệu USD tập trung trong các ngành khai khoáng, bất động sản, du lịch... Việt Nam khuyến khích các quỹ đầu tư, công ty UAE đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khách sạn, du lịch, cơ sở hạ tầng, cảng biển, hàng không, bất động sản, sản xuất nông sản tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Dubai là 1 trong 3 thị trường trung chuyển lớn nhất thế giới. Mặc dù dân số chỉ 1,5 triệu người nhưng người tiêu dùng Dubai là những khách hàng giàu có, thu nhập đầu người trên 20.000 USD/năm, khoảng hơn 400 triệu đồng, chủ yếu nhờ vào dầu mỏ, vì thế sức mua ở thị trường này rất lớn.

Hàng hóa xuất vào Dubai không hạn định về số lượng và chủng loại mặt hàng (trừ những mặt hàng cấm nhập khẩu như thịt heo, mỡ heon) bởi ngoài tiêu dùng trong nước, Dubai còn là nơi trung chuyển, tái xuất các mặt hàng sang thị trường châu Phi rộng lớn và toàn bộ khu vực Trung Đông giàu có. Bên cạnh đó, Dubai áp dụng chính sách thuế quan thấp, thuế nhập khẩu dưới 5%, một số mặt hàng còn được miễn thuế.

Thực phẩm, nông sản đi trước

Tuy nhiên, để bám trụ tại thị trường này các doanh nghiệp phải hiểu văn hóa và phong tục nơi đây. Để đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp cũng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa; triển khai khu trưng bày hàng thực phẩm, nông sản, trái cây của Việt Nam vào các hệ thống siêu thị tại UAE như Al Maya, Union Corps, Choithram…

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai, tiềm năng thị trường UAE nói riêng và thị trường Trung Đông nói chung còn rất lớn, nhưng để hàng Việt “phủ sóng” rộng hơn và vững chắc hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả của mặt hàng thực phẩm, nông sản khi nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này của UAE hằng năm là hơn 80% đối với các mặt hàng như gạo, tiêu đen, trà, cà phê, dừa, hạt điều...

Đặc biệt, các doanh nghiệp UAE đang muốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực chế biến hoặc thiết lập quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông sản với doanh nghiệp Việt Nam, một mặt nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của UAE, mặt khác để đưa hàng hóa Việt Nam vào EU và châu Phi.

Bên cạnh đó, sau một loạt hoạt động xúc tiến thương mại, mặt hàng hải sản đã có chuyển biến rất tốt tại thị trường này. UAE bắt đầu chấp nhận và tiêu dùng hải sản đông lạnh của Việt Nam. Ngoài ra, thực phẩm chế biến, trong đó có chè và cà phê - hai mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, cũng được tiêu thụ mạnh tại thị trường này.
 
“Với vị trí chiến lược là thị trường trung chuyển và tái xuất cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực châu Phi và EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại UAE để mở rộng thị trường xuất khẩu của mình”, ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.