Gỡ bí cho trà bí đao
Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (IFS), với thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, dường như đang lật ngược thế cờ khi lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt gần 32,6 tỉ đồng, so với mức lỗ hơn 93 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Sự “lột xác” này còn vượt cả trông đợi khi từ đầu năm, Công ty đã dự báo sẽ lỗ 57 tỉ đồng. Đã từng là ngôi sao và bị hủy niêm yết vì thua lỗ liên tục, ngày nay thương hiệu trà bí đao nổi tiếng cũng đang tính đường quay trở lại sàn chứng khoán.
“Chết” vì chi phí
IFS được thành lập năm 1991, ban đầu là công ty Malaysia. Đây là một trong số ít doanh nghiệp trải qua đầy đủ cung bậc cảm xúc trên thị trường chứng khoán. Năm 2006 khi thị trường chứng khoán còn hưng thịnh, IFS bắt đầu lên sàn và vẫn báo cáo tăng trưởng trong 2 năm tiếp theo. Tuy nhiên, đến năm 2008, IFS cho biết lỗ tới 262 tỉ đồng. Mặc dù gắng gượng được trong 2 năm 2009 và 2010, nhưng rồi sau đó IFS tuột dốc từ đó đến nay với những khoản thua lỗ ngày càng lớn. Năm 2013, IFS hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE vì thua lỗ vượt mức vốn chủ sở hữu.
Một trong những lý do thua lỗ là vì chi phí. Năm 2008, tỉ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu lên mức cao nhất, 94%, trong khi bình quân giai đoạn 2007-2014 chỉ có 79%. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nước giải khát Chương Dương, trong báo cáo năm 2008, cũng chỉ ở mức gần 66%.
Thua lỗ kéo dài nhưng IFS lại không “hãm phanh” trong các khoản chi tiêu vào quảng cáo. Chạy đua khuyến mãi đã khiến tỉ trọng chi phí bán hàng trên doanh thu bắt đầu tăng từ mức 15% trong năm 2010 lên mức đỉnh điểm gần 42% năm 2014. Như vậy, tính trung bình giai đoạn 2010-2015, tỉ lệ này ở mức gần 27%, cao đáng kể so với con số bình quân khoảng 15% trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Tình thế đã thay đổi khi trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của IFS đã đạt gần 33 tỉ đồng. Nhưng con số này có được không phải nhờ mở rộng thị trường (doanh thu thuần trong khoảng thời gian này giảm 30%), mà nhờ tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, tỉ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu đã giảm từ mức 73,5% năm 2015 xuống còn 64,5% trong 9 tháng đầu năm.
Từ đầu năm nay, IFS đã tỏ ra khá kiên quyết. Công ty đã ngưng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bánh nhằm tập trung phát triển các sản phẩm nước giải khát. Đồng thời, Công ty quyết tâm mở rộng thị phần các nhóm sản phẩm chủ lực, phát triển mạng lưới phân phối. IFS vẫn tỏ ra “chịu chơi” khi chi phí dành cho bán hàng vẫn tiếp tục ở mức cao, với tỉ lệ chi phí bán hàng/doanh thu vẫn chiếm khoảng 21,7%.
Sức ép cạnh tranh
Ngành hàng đồ uống không cồn ở Việt Nam vẫn còn khả năng tăng trưởng tốt. Theo BMI, ngành này tăng trưởng 5,7% năm 2015 và 8,9%/năm trong giai đoạn 2016-2019, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh cũng lớn hơn. Bằng chứng là số lượng sản phẩm nước giải khát ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều, do các thương hiệu lớn trên thế giới đổ về, đặc biệt khi làn sóng hàng tiêu dùng đang đi theo trào lưu bán lẻ, như các loại nước Thái Lan theo kênh phân phối của Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật. Đặc biệt, nước giải khát ở Việt Nam sẽ phải cạnh tranh vất vả với những mẫu mã đến từ Hàn Quốc và Nhật, không chỉ bởi người tiêu dùng ưa chuộng thương hiệu từ 2 quốc gia này, mà còn đến từ sự bắt mắt trong thiết kế và đa dạng về sản phẩm.
IFS hiện sở hữu 2 thương hiệu lớn là Kirin và Wonderfarm. Ảnh: Trường Nikon |
Ở thị trường Việt Nam, có thể nhìn thấy 2 xu hướng quan trọng trong ngành hàng sản xuất nước giải khát. Một là các hãng bổ sung thêm các thành phần mới, lạ vào nước giải khát để tạo thị trường ngách; chiến lược thứ hai là theo đuôi sản phẩm, tức bắt chước các loại nước từng thành công trên thị trường. Chẳng hạn, nhắc đến Chương Dương, hẳn nhiều người chỉ nhớ đến thương hiệu nước xá xị, nhưng giờ Chương Dương còn đẩy mạnh sản xuất Trà Olong chai nhựa.
Báo cáo thường niên của IFS cũng xác định rõ ở thị trường này thì Tân Hiệp Phát, URC, Tribeco (Uni-President) chính là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình. Trong khi Tân Hiệp Phát, Coca-Cola và Suntory PepsiCo ngồi “mâm” đầu thì IFS nằm trong nhóm thứ 2, nhóm có quy mô thấp hơn. Hiện nay, doanh thu của IFS bằng gần 13% so với Tân Hiệp Phát (doanh thu ở Tân Hiệp Phát được cho là khoảng 10.000 tỉ đồng). Báo cáo thường niên của IFS cho thấy Công ty hiện có khoảng 3% thị phần và đặt mục tiêu 8% trong 5 năm tới.
Sau khi Kirin gia nhập, IFS cũng sản xuất những sản phẩm mang thương hiệu của Kirin (IFS có hai thương hiệu lớn là Wonderfarm và Kirin. Thương hiệu Wonderfarm có mặt ở thị trường từ năm 1996, trong khi hệ thống website của IFS cũng lấy tên miền là thương hiệu Wonderfarm). IFS sở hữu 2 nhà máy, một ở Biên Hòa (Đồng Nai) sản xuất các sản phẩm đóng lon thương hiệu Wonderfarm (gồm các dòng sản phẩm trà bí đao, nước yến ngân nhĩ, nước xá xị và nhiều loại khác), nhà máy thứ 2 đặt tại Bình Dương chuyên sản xuất sản phẩm chai PET với thương hiệu Wonderfarm và Kirin.
Không chỉ đóng góp về mặt sản phẩm, chủ sở hữu Kirin còn cung cấp nguồn tài chính để IFS hoạt động. Từ năm 2013, sau khi bị hủy niêm yết, Kirin bắt đầu tăng vốn IFS lên gấp gần 3 lần, hiện ở mức 871 tỉ đồng vốn điều lệ. Hơn nữa, hầu hết các khoản vay ở IFS được Kirin cho mượn. Các khoản vay bằng đồng USD này có lãi suất thấp hơn mức 2%.
Đành rằng có Kirin hỗ trợ về mặt sản phẩm, tài chính nhưng để vực dậy IFS lại là một câu chuyện khác, nhất là khi áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng. Nước giải khát Chương Dương, hiện là công ty con của Sabeco (nắm giữ gần 62%), là một ví dụ cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm của các công ty nước giải khát không cồn nội địa. Theo báo cáo tài chính quý III/2016, từ đầu năm đến nay, lợi nhuận trước thuế của Nước giải khát Chương Dương đạt gần 20,7 tỉ đồng (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ), nhưng trên thực tế, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 25,5 tỉ đồng. Phần lãi đáng kể đến từ hoạt động đầu tư và tài chính.
Thanh Phong