Thứ Ba | 05/07/2016 12:30

Gỗ An Cường bơi trong biển lớn

An Cường đang nắm giữ 50% thị phần nội địa ở phân khúc ván MFC và 70% thị phần tấm Laminate.

Không nhiều nhà sản xuất nội địa có thể cung cấp các sản phẩm cửa chính cho các dự án căn hộ cao cấp có yếu tố ngoại đầu tư như Estella, Masteri Thảo Điền hay Vista Verde. Tuy nhiên, Công ty Gỗ An Cường có thể xem là một trong số ít trường hợp đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khó tính, bên cạnh các tên tuổi khác như AA Corporation hay Gỗ Trường Thành.

Doanh thu năm 2015 của An Cường vào khoảng 70 triệu USD. Công ty không chia sẻ về lợi nhuận nhưng nhiều khả năng biên lợi nhuận gộp sẽ không thấp hơn mức trung bình 20-25% của các công ty gỗ niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hiện An Cường đang nắm giữ khoảng 50% thị phần nội địa ở phân khúc ván MFC (nguyên liệu gỗ phổ biến nhất trong ngành nội thất hiện nay khi chiếm tới 80% thị phần gỗ công nghiệp). Công ty cũng đang nắm giữ 70% thị trường tấm Laminate. An Cường cũng mở rộng hệ thống phân phối đến các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia hay Campuchia.

Mới đây, An Cường đã được hai quỹ đầu tư ngoại là VOF (do VinaCapital quản lý) và DEG (thuộc tập đoàn Đức KfW) đầu tư 30 triệu USD. Sau thương vụ này, cơ cấu cổ đông của An Cường có sự thay đổi đáng kể khi gia đình ông Lê Đức Nghĩa sẽ nắm 60% vốn, liên danh VinaCapital - KfW nắm khoảng 25% và phần còn lại là cán bộ công nhân viên.

Go An Cuong boi trong bien lon
An Cường đã được hai quỹ đầu tư ngoại là VOF và DEG đầu tư 30 triệu USD. Ảnh: kenhthongtinthitruong.vn

An Cường là một trong số những doanh nghiệp Việt đầu tiên kinh doanh gỗ nhân tạo. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Công ty trong các năm gần đây khá tốt, đạt khoảng 30-35%, phần nào cho thấy tiềm năng của phân khúc còn mới mẻ này so với thị trường gỗ tự nhiên, vốn đang bị hạn chế bởi nguồn nguyên liệu cũng như quy định ngặt nghèo về nguồn gốc xuất xứ.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp dùng gỗ công nghiệp trong sản xuất nội thất. Nhưng xu hướng dùng nguyên liệu này lại đang được các nước lân cận như Thái Lan hay Malaysia ứng dụng để đưa hàng vào Mỹ và châu Âu, tạo ra tỉ suất sinh lời cao. “Đây cũng được xem là một hướng đi giúp doanh nghiệp Việt tránh được những quy định ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc xuất xứ”, ông Nghĩa nói.

An Cường ra đời vào năm 1994 với số vốn chỉ 220 triệu đồng, tập trung vào các sản phẩm ván MFC, chỉ nhựa và keo. Sau 22 năm, hiện An Cường đã sở hữu một nhà máy sản xuất rộng 90.000 m2 tại Bình Dương cùng 1.300 nhân viên. Tổng vốn điều lệ của Công ty đã lên tới 240 tỉ đồng (năm 2014). Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư một nhà máy mới tại Bình Dương trị giá khoảng 15 triệu USD để gia tăng năng lực đáp ứng các đơn hàng.

Hiện bộ sưu tập của An Cường có trên 800 màu các loại, từ vân gỗ như oak, ask, walnut cho đến các màu digital, giả da, hip-hop..., giúp đa dạng hóa sự lựa chọn cho các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm nội thất xuất khẩu của An Cường đều sử dụng gỗ công nghiệp bằng các loại ván công nghiệp phủ Melamine, phủ Laminate, High Gloss Acrylic và Veneer kỹ thuật.

An Cường còn là đại diện phân phối độc quyền cho các thương hiệu hàng đầu thế giới về tấm trang trí và phụ kiện như Formica, Dollken, Schattdecor, Hettich. Hành trình 22 năm trồng cây của người sáng lập Lê Đức Nghĩa dường như bắt đầu cho ra quả ngọt.

Để có được vị thế như ngày hôm nay, An Cường cũng đã trải qua những thách thức tưởng chừng khó vượt qua và đã có thời điểm, ông Nghĩa đã phải mạnh tay tái cấu trúc toàn bộ bộ máy, nhất là khâu quản trị để phù hợp với quy mô ngày càng lớn. “Nhờ tái cấu trúc, gánh nặng của mình giảm đi rất nhiều. Để anh em tự quyết, mạnh dạn giao quyền, truy trách nhiệm, cương quyết không vượt cấp…”, ông Nghĩa chia sẻ bí quyết quản trị.

Năm 2015 Việt Nam ghi nhận kỷ lục 6,9 tỉ USD giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm liên quan, tăng hơn 10% so với năm trước đó. Trong năm nay, giá trị xuất khẩu của ngành có thể đạt đến 7,2 tỉ USD, theo nhận định của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). Ngành gỗ vì thế được xem là một trong những ngành có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Nhưng áp lực cạnh tranh trong ngành rất khốc liệt, không những giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, mà còn với các nhà đầu tư ngoại và sản phẩm nhập khẩu, nhất là hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay Thái Lan, Malaysia. Để thành công, không những đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu ổn định, mà còn phải có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân công có tay nghề và nhất là phải có nhữngthiết kế, sáng tạo để tạo nên các sản phẩm khác biệt - vốn là điểm yếu của hầu hết các doanh nghiệp nội thất Việt.

Thống kê cho thấy tổng số các doanh nghiệp chế biến gỗ hiện lên đến gần 4.000 doanh nghiệp. Với mức độ phân mảnh như thế, áp lực cạnh tranh để tồn tại là rất lớn. Đặc biệt, các hiệp định thương mại như TPP, FTA Việt Nam - châu Âu đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho ngành gỗ trong nước.

Bên cạnh thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt, các thị trường xuất khẩu chủ lực của An Cường cũng đang gặp rủi ro khá lớn. Mỹ, Nhật vẫn phục hồi chậm chạp trong khi nền kinh tế châu Âu mới đây đã bị giáng một đòn mạnh sau việc nước Anh quyết định rút khỏi Liên Minh châu Âu. Những biến động lớn về tỉ giá cũng có thể ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu của Công ty.

An Cường dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018 để có thể huy động nguồn lực tài chính mới cho quá trình phát triển trong các năm tới.

Nguyễn Sơn