GMD: Kinh tế khó khăn phải thu gọn mảng Shipping
Năm 2011 GMD không thực hiện chia cổ tức. Lợi nhuận sau thuế năm qua đạt 14,7 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ là 6,2 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lãi vay, biện pháp giảm chi phí lãi vay và quan ngại rủi ro từ cơ cấu nợ vay của GMD, đại diện của công ty cho biết: lãi suất vay bình quân năm 2011 của GMD khoảng 12%/năm. Công ty đã tái cấu trúc các khoản vay, sử dụng nguồn vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi từ 3-5%/năm qua đó đã cắt giảm chi phí lãi vay.
Hiện tỷ trọng khoản vay ngoại tệ của GMD chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, cơ cấu doanh thu bằng ngoại tệ chiếm tương đối lớn nên việc trả nợ bằng ngoại tệ không căng thẳng.
Đồng thời, GMD cũng tiến hành thanh lý danh mục đầu tư tài chính kém hiệu quả nhằm thu hồi vốn, thanh lý tài sản cố định đã hết khấu hao, thu hồi công nợ, giảm thiểu nợ xấu. GMD có chủ trương thanh lý toàn bộ các khoản đầu tư tài chính khi thị trường chứng khoán thuận lợi để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Tái cấu trúc, thu gọn mảng Shipping
Năm 2012, GMD đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng. Trong đó, GMD đặt mục tiêu mảng khai thác cảng tăng trưởng 25%; mảng Shipping mục tiêu sản lượng 255.500 Teus, doanh thu 58 triệu USD (sản lượng cao hơn năm 2011, nhưng doanh thu lại thấp hơn – năm 2011 doanh thu mảng Shipping đạt hơn 60 triệu USD); mảng vận tải container nội thủy sản lượng 70.000 Teus, tăng 20%, doanh thu đạt 33 triệu USD tăng 33% so với năm 2011.
Đại diện GMD cho biết, năm 2012 GMD giảm tỷ trọng doanh thu mảng Shipping, GMD đã đề ra kế hoạch kinh doanh cho mảng này trên cơ sở thận trọng và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đối với lĩnh vực Logistics, theo kế hoạch GMD tiếp tục đẩy mạnh phát triển mở rộng thị trường và thị phần với kế hoạch tăng trưởng 160% doanh thu so với năm 2011. Đây cũng là mảng được xác định xem xét thâu tóm một số công ty trong ngành có hạ tầng tốt: (i) thâu tóm thân thiện và (ii) thâu tóm thù địch.
Năm nay GMD có kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tập trung vào 4 nhóm ngành nghề chủ chốt gồm: Khai thác cảng (6 cảng gồm: Phước Long, GML Cái Mép, Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải, Dung Quất, GMD Hoa Sen); Logistics (trung tâm phân phối, vận tải biển, vận tải bộ, đại lý giao nhận, vận tải hàng dự án, ga hàng hóa hàng không); Trồng rừng (Pacific Pearl, Pacific Pride, Pacific Lotus) và Bất động sản (Cao ốc Gemadept, Dự án Sài Gòn GEM, Dự án KHP Viên Chăn).
Trong năm 2012, GMD sẽ tập trung vào các dự án Cảng Container Nam Hải Đình Vũ - đưa cảng vào khai thác trong quý II/2012; Dự án trồng rừng với mục tiêu trồng mới 4.000 - 5.000 ha; dự án Gemalink Cái Mép - gia tải tự nhiên kéo dài thời gian thi công nhưng giúp tiết kiệm chi phí và Sài Gòn Gem - tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc giãn tiến độ Gemalink Cái Mép do tình hình thị trường bị ảnh hưởng trong khi lại phát triển cảng Nam Hải - Đình Vũ, đại diện GMD cho biết:
Việc giãn tiến độ cảng Gemalink Cái Mép do: (i) tình hình thị trường hàng hải thời gian qua chịu ảnh hưởng, lượng hàng hóa không như kỳ vọng. (ii) bù lún tự nhiên để gia tải - bơm hút liên tục 24h/ngày, kéo dài thời gian thi công nhưng giúp tiết kiệm chi phí và đưa cảng vào khai thác phù hợp với giai đoạn thị trường phục hồi sau khủng hoảng. Trong khi đó Cảng Nam Hải, được xây dựng năm 2009, nguồn hàng luôn lớn, sản lượng thông qua cảng luôn vượt kế hoạch.
Phát hành trái phiếu, khóa room sở hữu nước ngoài sau khi phát hành thành công
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc nợ chuyển đổi và ủy quyền cho HĐQT triển khai phương án phát hành. Thời hạn trái phiếu từ 1 năm - 5 năm. Vốn huy động được nhằm bổ sung vốn từ năm 2012 đến 2016 cho phát triển dịch vụ Logistics 5,3 triệu USD; dự án Cảng Container Nam Hải Đình Vũ 15,02 triệu USD; trồng rừng tại Campuchia 14,54 triệu USD; Khu phức hợp Vientian Lào tổng cộng 4,5 triệu USD; dự án Sài Gòn Gem tổng 16,51 triệu USD.
Tổng khối lượng phát hành từ 30 - 70 triệu USD, qua phát hành riêng lẻ, thời gian từ quý II/2012 đến quý IV/2013. Lãi suất 0 - 6%/năm. Giá chuyển đổi không thấp hơn 70% trung bình giá thị trường của CP trong 1 tháng trước thời điểm phát hành. GMD sẽ khóa room sở hữu nước ngoài tương ứng sau khi phát hành thành công Trái phiếu/Nợ chuyển đổi.
Hiện tổ chức trong nước đang nắm giữ 28,66% vốn GMD; cá nhân nước ngoài 1,06%; tổ chức nước ngoài 20,71%.
Nguồn CafeF/TTVN