Global Witness từ chối lời mời của Hoàng Anh Gia Lai
Một lần nữa ông Đoàn Nguyên Đức và các thành viên trong Hội đồng quản trị phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc mà GW đưa ra vào đầu tháng 5 về việc HAGL chiếm đất, phá rừng trái phép ở Lào và Campuchia. "Thế nhưng chúng tôi mời GW tới đó để ba mặt một lời, gặp lại các người dân này thì họ đã từ chối" - bầu Đức cho biết.
Về chứng cứ hình ảnh vệ tinh chụp cảnh khu rừng đã biến mất sau khi HAGL tới khai thác, ông Đức cho rằng đây là một trò hề của GW. Bởi hình ảnh vệ tinh chỉ cho thấy những hình ảnh không rõ nét về những đốm đen rồi "chụp mũ" cho rằng khu đất đó do HAGL tàn phá trái phép là vô căn cứ. "Nếu họ cung cấp hình ảnh chính xác, rõ ràng hơn để chứng minh đó đúng là dự án của HAGL thì tôi chắc chắn tại khu đất đó, chúng tôi đã được cấp phép đầu tư đang hoàng. Và nếu có chặt rừng nghèo đang có để đầu tư trồng cao su thì rừng mới chặt phải thành bãi đất trống là đương nhiên" - ông Đức giải thích.
Ông Đức cũng khẳng định lĩnh vực cao su mà tập đoàn đang đầu tư là một lĩnh vực rất nhạy cảm về môi trường nên ngay từ đầu HAGL đã rất chú ý đến vấn đề này. Mọi hợp đồng đầu tư vào Lào, Campuchua đều ghi rất rõ HAGL không được phép khai thác gỗ ở các đất nước này, mọi loại gỗ đều thuộc chính phủ nước sở tại.
Với cáo buộc của GW rằng HAGL cướp đất của dân, bầu Đức cho rằng đây là một cáo buộc vô căn cứ. HAGL chưa hề lấy 1 tấc đất nào của dân bởi DN nào đến Lào và Campuchia đầu tư phải tuân thủ luật pháp và hoạt động về đầu tư nước ngoài của đất nước đó với những quy định rất chặt chẽ. Đặc biệt trong công tác đền bù giải tỏa, công ty phải đạt được sự đồng ý, tự nguyện chuyển đi của người dân thì mới làm được.
HAGL đầu tư qua Lào năm 2008 tại tỉnh Attapeu. Đây là 1 tỉnh nghèo, lúc đó không có lấy 1 mái nhà tôn. Trong 5 năm đầu tư tại đây, HAGL đã bỏ ra 30 triệu USD làm công tác từ thiện. Cao su HAGL đi đến đâu cơ sở hạ tầng, đường sá được xây dựng đến đó. HAGL đã xây dựng 2.000 căn nhà, 3 cây cầu, nhiều bệnh viện và trường học ở tỉnh này. Không chỉ giúp tái thiết cộng đồng, các nông trường cao su, mía đường còn giúp tạo việc làm cho người dân. 90% lao động tại các nông trường này là lao động địa phương. "Trước khi HAGL đến đầu tư thì GDP đầu người tỉnh Attapeu chỉ từ 400 - 500 USD/người thì sau 5 năm đã tăng lên 1.200 USD/người" - ông Đức đưa dẫn chứng.
Nói lời cảm ơn tổ chức GW
Từ giờ chúng tôi sẽ không lưu tâm tới những cáo buộc của GW và sẽ mời những tổ chức về môi trường lớn hơn, hoạt động độc lập đến rà soát đánh giá lại các tác động, ảnh hưởng đến môi trường trong các hoạt động đầu tư của tập đoàn HAGL. Và đây sẽ là câu trả lời xác thật nhất" - ông Đức cho biết "chiến thuật" sắp tới của HAGL. Thế nhưng bầu Đức cũng ngỏ lời cám ơn tổ chức GW đã chỉ ra cho ông thấy tập đoàn mình còn những khiếm khuyết gì để khắc phục. Ông tâm sự: "Mình làm công tác xã hội và môi trường tốt đến mấy cũng có khiếm khuyết nên để không bị lặp lại chuyện này nữa mình phải hướng tới phát triển bền vững lâu dài".
Cụ thể, tập đoàn HAGL đã quyết định mời tổ chức về môi trường khá uy tín của Pháp, Bureau Veritas Certification, về đánh giá lại các hoạt động của tập đoàn và sẽ xây dựng, hướng dẫn cho tập đoàn thực hiện, lấy chứng chỉ FFC về bảo vệ rừng, môi trường. Đây là tổ chức về môi trường được thành lập 1828, hiện có 60.000 nhân viên ở 142 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tổ chức này văn phòng hơn 15 năm nay.
"HAGL đã là một tập đoàn đa quốc gia, có thương hiệu và chúng tôi phải làm gương, lấy chứng chỉ về phát triển môi trường bền vững. Tốn bao nhiêu tiền của chúng tôi cũng phải làm, để còn bảo vệ hơn 30.000 lao động của tập đoàn HAGL và để không gặp những trường hợp tương tự nữa" - ông Đức cương quyết.
Nguồn Dân Việt