Thứ Hai | 23/06/2014 07:23

Giữ trạng thái ngoại tệ âm, ngân hàng Việt “lỗ” bao nhiêu?

Do tỷ giá được điều chỉnh tăng 1%, nên ngân hàng nào giữ trạng thái âm về ngoại tệ (USD) thì sẽ bị “lỗ” chênh lệch tỷ giá tương ứng là 1%.
Do hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các TCTD. Thống kê của BizLIVE cho thấy nhiều ngân hàng phải chịu lỗ lên đến cả trăm tỷ đồng.
Tăng tỷ giá USD/VND, ngân hàng chịu ảnh hưởng thế nào?

Ngày 18/6, Thống đốc NHNN đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/6/2014 từ mức 21.036 VND/USD lên 21.246 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%).

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), số liệu tổng hợp từ các TCTD hiện nay cho thấy hệ thống đang có trạng thái ngoại tệ âm, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các TCTD.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng cho biết, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có định hướng điều hành tỷ giá đã được NHNN đề ra và thông báo ngay từ đầu năm. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng như các TCTD đã cân nhắc đến những định hướng này trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

Trong những tháng đầu năm, các TCTD đã tăng cường bán ngoại tệ cho NHNN, nguồn ngoại tệ các TCTD bán cho NHNN không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Vì vậy, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ trên 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong 5 tháng đầu năm.

Điểm mặt những ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm

Do thời điểm điều chỉnh tỷ giá là giữ tháng 6, các TCTD chưa công bố số liệu báo cáo tài chính quý II/2014. Tuy nhiên, nếu giả định trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng tại thời điểm 31/3/2014 (công bố tại báo cáo tài chính quý I/2014) đến nay không có nhiều thay đổi, chúng ta có thể ước tính được thiệt hại của hệ thống ngân hàng.

Do tỷ giá được điều chỉnh tăng 1%, nên nếu ngân hàng nào giữ trạng thái âm về ngoại tệ (đồng USD) thì sẽ bị “lỗ” chênh lệch tỷ giá tương ứng là 1%. Ngược lại, nếu ngân hàng nào giữ trạng thái dương về ngoại tệ, sẽ được “lãi” tương ứng 1%.

Do hệ thống các TCTD của Việt Nam hiện chưa minh bạch, nên BizLIVE chỉ thống kê được số liệu của 16 ngân hàng (thời điểm 31/3/2014), chưa phản ánh được toàn cảnh bức tranh ngành ngân hàng. Tuy nhiên, những con số này cũng phản ánh một phần của vấn đề.

Trong số 16 ngân hàng được thống kê, có 8 ngân hàng có trạng thái ngoại tệ USD âm, với tổng giá trị quy đổi lên tới 16.768,96 tỷ đồng. Đáng chú ý là ACB, PGBank, Techcombank, VPBank là những ngân hàng có trạng thái ngoại tệ USD âm khá lớn.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay một số ngân hàng khác như VIB, Đông Á, Sacombank lại có trạng thái ngoại tệ dương khá lớn. Tổng trạng thái ngoại tệ USD quy đổi của 8 ngân hàng này lên tới 35.939 tỷ đồng.

Như vậy, các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm ước tính sẽ lỗ khoảng 167,69 tỷ đồng, trong khi các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ dương ước tính sẽ lãi 359,39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là số liệu tại thời điểm điều chỉnh tỷ giá, cũng chưa phải là toàn cảnh hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, với khẳng định của NHNN là trạng thái ngoại tệ của toàn hệ thống TCTD là âm, và các ngân hàng liên tục bán USD trong 5 tháng đầu năm, có thể dự báo con số “lỗ” của hệ thống ngân hàng có thể lớn hơn rất nhiều.


Nguồn BizLive


Sự kiện