wshowbiz.com

 
Vân Nguyễn Thứ Tư | 11/04/2018 08:42

Giữ thị trường NewZealand: Nhiều việc phải làm cho trái chôm chôm

Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xuất khẩu chôm chôm sang NewZealand.

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews, ngày 10.4 đã nói rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xuất khẩu chôm chôm sang NewZealand. 

New Zealand có tiêu chuẩn cao đối với nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, trong đó có trái cây. Cạnh đó là hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng thực phẩm rất cao, cùng những kiểm soát rủi ro về dịch bệnh, sâu bệnh.

Tính đến nay, NewZealand đã mở cửa thị trường cho ba sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam, như chôm chôm trong năm nay, thanh long năm 2014 và xoài năm 2011. Chôm chôm Việt Nam nhận được xuất khẩu vào thị trường của NewZeland trong bối cảnh Hiệp định đối tác CPTPP mang lại một khung hợp tác vững mạnh hơn cho các sự hợp tác kinh tế và thương mại hai nước. 

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng kiểm dịch, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, có nhiều việc phải làm để doanh nghiệp tiếp cận được và giữ vững thị trường xuất khẩu này. 

Theo đó, các địa phương cần quy hoạch và có biện pháp quản lý diện tích trồng chôm chôm theo địa chỉ xuất khẩu, bởi yêu cầu của mỗi thị trường về sinh vật gây hại là khác nhau. Đồng thời có danh mục cụ thể về thuốc bảo vệ thực vật, bệnh hại, với hướng dẫn rõ ràng đối với việc sử dụng hóa chất cho cây chôm chôm.

Mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Trong khi yêu cầu chiếu xạ là bắt buộc đối với hoa quả xuất khẩu sang thị trường NewZeland, thì các nước Nhật Bản, Hàn Quốc lại không chấp nhận chiếu xạ, họ yêu cầu các biện pháp xử lý khác.

Hiện nay, doanh nghiệp đang rất cần được đầu tư hệ thống kiểm dịch thực vật, cũng như phát triển bộ giống cây tốt, đa dạng hoá thời gian thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo giữ tươi sản phẩm trong thời gian dài.

Cạnh đó, Nhà nước cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, chỉ như vậy mới có thể giữ vững uy tín sản phẩm, bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh chính đáng, bảo đảm sự bền vững về thị trường xuất khẩu.

Việt Nam xuất khẩu chôm chôm ra thế giới chưa lâu, nhưng đã xuất hiện những doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lành mạnh, trong bối cảnh cước vận tải cao làm giảm khả năng cạnh tranh của chôm chôm Việt Nam.

Ông Hà cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, như phát triển sản phẩm chôm chôm đóng hộp, nước ép chôm chôm. Theo ông, việc đầu tư cho nghiên cứu thị trường, tập quán tiêu dùng, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với đặc thù từng thị trường là rất cần thiết.

Muốn vậy, doanh nghiệp cần tạo sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất tới xuất khẩu, cũng như liên kết chặt hơn với người nông dân. Cạnh đó, việc nghiên cứu để có giá cước vận tải rẻ hơn là rất cần để giảm áp lực cạnh tranh về giá.

Tại Việt Nam, chôm chôm được trồng phổ biến ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ và Trung Bộ nhưng nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long. Diện tích trồng chôm chôm cả nước, tính đến năm 2016 đạt hơn 26.000 ha, năng suất 15 tấn/ha cho tổng sản lượng đạt 341.717 tấn.

Chôm chôm Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, các nước Asean, Canada, các nước EU, khu vực trung đông và các nước Đông Âu, Hoa Kỳ và từ nay là thị trường New Zealand.

Chôm chôm, loại quả có tiềm năng xuất khẩu. Năm 2017, xuất khẩu chôm chôm sang Hoa Kỳ đạt hơn 300 tấn và 3 tháng đầu năm 2018 đã đạt hơn 300 tấn, triển vọng xuất khẩu tăng trưởng rất tốt.

Hiện nay, chôm chôm được trồng ở nhiều quốc gia, như Thái Lan, Peru và mới đây, Úc và Hawai của Hoa Kỳ cũng đã trồng thử và cho phép xuất khẩu loại quả này. Tuy nhiên, cạnh tranh khá gay gắt về xuất khẩu giữa các nước trồng chôm chôm và giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Việt Nam và NewZealand hướng đến mục tiêu thương mại hai chiều 1,7 tỷ USD có thể đạt được năm 2020, khuyến khích thương mại hai chiều trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu nông sản.