Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu không có tăng trưởng, sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế - xã hội. Ảnh: Quý Hòa.

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 22/11/2021 07:30

Giữ thăng bằng tăng trưởng

Để trở lại đường đua tăng trưởng, Việt Nam cần bàn tay quyết liệt và thông minh của các chính sách tài khóa.

Sau 4 tháng giãn cách tại địa phương được coi là đầu mối giao thương, cuối cùng thì Việt Nam cũng quyết định mở cửa lại nền kinh tế từ ngày 1/10. Theo báo cáo của HSBC, khả năng đi lại của người dân đã tăng lên đáng kể, tạo điều kiện phục hồi nhu cầu trong nước. Chỉ số bán lẻ bằng 88% so với tháng 1/2019, một bước tiến lớn từ mức 74% trong tháng 9. Tuy nhiên, sự phục hồi chủ yếu diễn ra trong mảng mua bán hàng hóa do ngành dịch vụ vẫn còn bị giới hạn như hạn chế ăn uống tại chỗ, giải trí và du lịch.

HSBC nhận định, không được như hoạt động trong nước, sự phục hồi các động lực kinh tế bên ngoài Việt Nam khá chậm. Mặc dù xuất khẩu không còn bị âm trong tháng 10, mức độ tăng trưởng còn quá thấp (0,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Xuất khẩu hàng dệt may và da giày đã bớt trì trệ so với tháng 9 nhưng vẫn sụt giảm 19% so với tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu điện thoại giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này thể hiện rõ hơn khi nhìn vào dữ liệu sản xuất công nghiệp: sản xuất công nghiệp cải thiện từ -7% trong quý III lên -5,7% trong tháng 10. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái ở TP.HCM.

 

Trong bối cảnh như vậy, cùng với tổng cầu suy giảm mạnh, khả năng tăng trưởng bứt phá ngay trong quý IV là khó. Tổng cầu giảm vì nhiều người mất việc làm, giảm thu nhập. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập thấp hơn số rút khỏi thị trường, chưa kể số bị tác động tạm ngừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động, thậm chí thiếu đơn hàng rất lớn. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng lên, đầu tư ở khu vực tư nhân, nhà nước và nước ngoài đều giảm.

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu không có tăng trưởng, sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế - xã hội. Vì vậy, năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn cần lấy tăng trưởng là chỉ tiêu đầu tiên. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCIF) đánh giá tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7% trong kịch bản cao.

 

“Quan điểm của tôi là lúc này, ngân sách cần phải chi tiêu mạnh và phải chi tiêu hiệu quả. Không có cú hích chi tiêu công của Chính phủ, sẽ không thể phục hồi nhanh tổng cầu trong nước vào thời điểm này”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định.

Để Việt Nam trở lại đường đua tăng trưởng, Việt Nam cần một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, thời gian đủ dài (2022-2023).

Mặc dù vậy, vấn đề đang gây tranh là nguồn lực chi cho chương trình hỗ trợ là như thế nào khi quy mô lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng và ngân sách ngày càng eo hẹp, nợ công tuyệt đối vẫn tăng cao.

Bên cạnh đó, bóng đen đình lạm giữa tăng trưởng thấp và lạm phát cao đang lởn vởn. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP nên áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn trong cơn lốc của “siêu chu kỳ tăng giá” đang diễn ra trên toàn thế giới. “Nếu không đánh giá đầy đủ khả năng lạm phát, chúng ta phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao trong quý II và quý III/2022”, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trung tâm NCIF, nhận định.

Bài toán kích cầu tăng trưởng và kiểm soát được lạm phát đang trở nên khó khăn hơn. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cảnh báo khi cung tiền tăng vọt, dẫn đến bong bóng giá tài sản vì dòng tiền đầu cơ vào thị trường chứng khoán, đất đai phản ứng rất nhanh. Tiếp sau đó, dòng tiền này sẽ dẫn đến lạm phát giá cả tiêu dùng. Để kiểm soát lạm phát, ngân hàng phải tăng lãi suất, khiến doanh nghiệp trở nên khó phục hồi, bị ảnh hưởng nặng nề. Hậu quả là nợ xấu phát sinh, hệ thống tài chính suy yếu.

Do đó, đây là giai đoạn cần bàn tay quyết liệt và thông minh của kinh tế nhà nước, của ngân sách nhà nước, của chính sách tài khóa. Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đánh giá, phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ. Việc thu hẹp tiêu dùng tư nhân sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng kể và tăng trưởng GDP chậm hơn mức cần thiết. Sự hồi phục sẽ chậm hơn do sự giảm cầu sẽ dẫn đến phá sản. Mặc dù vậy, từ kinh nghiệm các nước, ông Jonathan Pincus lưu ý không khuyến khích đầu cơ. Theo đó, cần giảm bớt sự hấp dẫn của đầu cơ vào đất đai và tài sản tài chính như thuế (thuế tài sản và nhà cửa); hạn chế tín dụng cho các hoạt động đầu cơ; hạn chế cho vay quá mức đối với tài sản và cổ phiếu.