Giữ đà tăng trưởng
Tăng trưởng GDP của Việt Nam nửa đầu năm 2018 đạt mức cao 7,08%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn từ các tác động trong và ngoài nước. Trong bản cập nhật báo cáo kinh tế hàng đầu công bố thường niên, Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018, được công bố hôm 26.9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4.
Theo đánh giá của ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam, áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho năm 2019, tăng so với ước tính trong tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%. Với thực trạng của Việt Nam hiện nay, ông Eric Sidgwick cho biết, ADB đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8%.
Một điểm được người đứng đầu ADB tại Việt Nam lưu ý: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước”. Những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang và sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và có tác động tổng thể đến Việt Nam trong dài hạn.
Bởi vì, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, khoảng 200% GDP, cho nên bất kỳ sự suy giảm thương mại toàn cầu nào đều sẽ làm giảm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa thế giới sẽ đạt 3,9% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo 4,4% đưa ra hồi tháng 4.2018.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Giả định căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Eric Sidgwick đưa ra nhận xét trong bối cảnh tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) hồi tháng 8 nhận định, năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt 6,71%, cao hơn so với con số 6,67% do chính cơ quan này đưa ra 3 tháng trước.
Theo phân tích của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ do ít có tác động của việc mở rộng chính sách tiền tệ và tài khóa. Lạm phát tăng là do chi phí đẩy, không phải do tiền tệ hay tổng cầu. Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa đến mức quá nóng do tốc độ tăng GDP chưa vượt quá xu thế trong 2 quý liên tiếp.
Mặc dù vậy, ngay cả khi sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đang tốt lên, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, thì mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng vẫn chưa rõ nét, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu. Mặt khác, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là động lực nhưng lại phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi thu hút FDI đang bão hòa, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần và không có động lực mới bổ sung. Tỉ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm...
Chính các yếu tố này khiến nhiều chuyên gia lo ngại là nguy cơ nền kinh tế “mất đà” tăng trưởng từ quý IV/2018 và tốc độ tăng trưởng giảm dần từ quý I/2019. Do đó, để đạt được mức tăng trưởng 6,71%, theo ông Dương, Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, cách thức ứng phó với biến động phải linh hoạt hơn, không chỉ dựa vào công cụ tiền tệ, đặc biệt là tỉ giá. Đồng thời, không nên điều chỉnh tiền lương vào năm 2019 vì sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp