Giông lốc còn tiếp diễn ở Hà Nội
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ở giai đoạn đầu hè thường xuất hiện những cơn giông vào cuối chiều và tối với cấp gió giật mạnh. "Hiện tượng này có thể kéo dài đến giữa tháng 7 nên mọi người cần đề phòng, nhất là vào các ngày nắng nóng", ông Hải nói.
Trận giông lốc với sức gió giật cấp 8 ngày 4/6 khiến nhiều cây xanh bật gốc. Ảnh: |
Vị Phó giám đốc Trung tâm khí tượng cảnh báo, trong cơn giông thường kèm theo lốc xoáy, mưa đá và mưa lớn cục bộ nên rất nguy hiểm; sét có thểgây hỏng các trạm biến thế, gây mất điện ở vài khu vực.
Nói về cơn mưa giông ngày 4/6, ông Hải nhận định, đây không phải hiện tượng bất thường, mà vẫn xảy ra vào đầu mùa hè hàng năm ở Hà Nội. "Tùy vào thời điểm, nếu nó xuất hiện vào lúc nửa đêm thì mọi người không cảm nhận mức độ nguy hiểm bằng khi chập tối như chiều 4/6, lúc mọi người còn đi lại nhiều trên đường", ông Hải cho hay.
Cơn mưa dông diễn ra trong khoảng hơn một giờ tại thành phố Hà Nội với mực nước đo được ở Xuân Đỉnh là 79 mm; Đông Anh 65 mm; Hồ Tây 40 mm. Gió lớn kèm mưa đá đã làm một người thiệt mạng và gây thiệt hại đến tài sản của người dân; làm đổ, gãy nhiều cây, hư hại 8 ôtô... Gió lốc cũng làm lật thuyền trên hồ Tây khiến hai người gặp nạn. Nhiều vị trí cột điện bị đổ làm mất điện một số khu vực; cây đổ và úng ngập cục bộ tại một số điểm đã gây ùn tắc giao thông.
Theo các chuyên gia khí tượng, để tránh thiệt hại, khi có mưa giông mọi người không nên ra ngoài. Trường hợp đang đi trên đường thì nên tìm cách trú ẩn, không trú dưới gốc cây; tránh di chuyển trên đường vì có thể bị thương do cây hoặc các tấm biển, vật dụng khác bị gãy đổ.Ở khu vực vắng như cánh đồng, mọi người nên tắt điện thoại.
Chiếc taxi bẹp dúm, tài xế tử nạn vì cây xanh đổ. Ảnh: |
Để chủ động phòng tránh và nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 5/6, UBND thành phố Hà Nội đã có công điện yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn bộ các cây trên địa bàn quận, kịp thời chặt hạ các cây nghiêng đổ, sâu mục. UBND chỉ đạo Công ty thoát nước Hà Nội thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước đô thị; chỉ đạo Công ty chiếu sáng đô thị Hà Nội thay thế các cột đèn chiếu sáng bị gãy dổ.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông chỉ đạo lực lượng ứng trực, phân luồng giao thông, cảnh báo vị trí nguy hiểm khi có úng ngập. Bên cạnh đó,Công ty điện lực Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thay thế kịp thời các cột đèn bị gãy, đổ khi xảy ra mưa bão, cung cấp điện trở lại.
UBND các quận và thị xã Sơn Tây bố trí lực lượng ứng trực, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo giải quyết khắc phục kịp thời các sự cố do mưa bão, đảm bảo tài sản người dân.
Nguồn VnExpress