Giới ngân hàng dè dặt giảm lãi suất cho vay
Cuối tháng 11, Ngân hàng Sacombank mới tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương ở chợ tại TPHCM. Lãi suất cho vay chỉ 10%/năm trong 3 tháng đầu, thời hạn vay tối đa 6 tháng. Tuy vậy, gói tín dụng này chỉ kéo dài đến hết tháng 1-2013.
Tháng 10, Ngân hàng Eximbank dành 4.500 tỷ đồng, lãi suất 9-10%/năm cho doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
Khảo sát tại một số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên đường Láng Hạ (Hà Nội) cho thấy chưa có nhiều chương trình ưu đãi vốn, lãi suất thấp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịp Tết năm nay.
Trước thông tin Chính phủ họp bàn giảm lãi suất, áp trần lãi vay, giới chủ doanh nghiệp đồng tình nhưng tỏ vẻ hoài nghi.
Ông Nguyễn Văn Châu, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất khăn xuất khẩu tại Nam Định nói: “Đáng lẽ Ngân hàng Nhà nước phải áp trần lãi suất cho vay, còn thả nổi lãi suất huy động từ lâu rồi. Vì chỉ cần khống chế lãi vay ở mức 15%/năm, các ngân hàng thương mại buộc phải hạ lãi suất huy động bằng cách giảm theo từng nấc: thời điểm này giảm về 9-10%/năm, sang năm 2013 giảm tiếp về 8-9%/năm”.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết: “Các ngân hàng chỉ mới rậm rịch giảm lãi suất, vẫn phải chờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Giảm lãi vay đồng nghĩa là giảm lợi nhuận nên thực sự, chẳng ai muốn đâu”.
Theo lãnh đạo này, với biên độ lãi suất huy động - cho vay dự kiến khoảng 3-4%/năm, trần lãi suất là 9%/năm, thì trần cho vay tối đa là 13%/năm. Nhưng có ngân hàng sẽ thu thêm nhiều khoản phí để đẩy lãi vay lên 15%/năm.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, việc cào bằng lãi suất cho vay với mọi đối tượng khách hàng, loại hình vay sẽ làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Đặc biệt, vì sợ “ăn” vào lợi nhuận, nên ngân hàng sẽ khó chấp nhận giảm lãi suất ngay. Chỉ một số ngân hàng quốc doanh có nguồn vốn giá rẻ mới có khả năng giảm lãi suất xuống dưới 10%/năm.
Nguồn Tiền Phong Online