Giới đầu tư kim loại quý hưởng lợi nhờ tin tức kinh tế thất vọng
Giới quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ròng vàng, bạc, bạch kim và palladium tuân thứ 3 liên tiếp, giúp đẩy đà tăng giá kim loại trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ tăng trưởng chậm lại, số đơn hàng nhà máy của Đức giảm và IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đà giảm của giá kim loại chững lại trong tuần qua do đồn đoán kinh tế toàn cầu tăng trưởng ảm đạm sẽ buộc Fed phải trì hoãn việc nâng lãi suất - làm giảm tính hấp dẫn của các loại tài sản như hàng hóa phi lãi suất. Tính đến tháng 9, hơn 8 tỷ USD đã bốc hơi khỏi các quỹ ETF kim loại quý, và giá kim loại xuống thấp nhất 6 năm trong tháng 10 này, một phần do Fed phát tín hiệu sẽ tăng chi phí đi vay.
Nhưng giờ đây, giới đầu tư lại dự đoán Fed sẽ chưa tăng lãi suất cho đến tận năm 2016.
Giá vàng giao tháng 12/2015 trên sàn Comex tuần qua tăng 1,7% và giá bạc tăng 3,6%, ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên kể từ tháng 8. Giá bạch kim tăng 7,9%, mạnh nhất kể từ tháng 10/2011, trong khi giá palladium tăng 1,5%, ghi nhận tuần thứ 5 tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 7/2014.
Chỉ số Hàng hóa Bloomberg tăng 3,5%, Chỉ số MSCI All-Country World Index tăng 4,4% trong khi Chỉ số Đôla Giao ngay Bloomberg giảm 1,4%.
Vị thế mua ròng vàng, bạc, bạch kim và palladium trong tuần kết thúc vào 6/10 tăng 38% lên 95.104 hợp đồng quyền chọn và kỳ hạn, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC).
Vị thế mua ròng kim loại quý. |
Trước khi báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ dược công bố, phần lớn giới đầu tư không quan tâm đến kim loại quý.
Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã khiến Fed - sau phiên họp chính sách ngày 16-17/9 - quyết định giữ nguyên lãi suất ở cận 0. Báo cáo ra hôm 2/10 cho thấy, tốc độ tăng lương của Mỹ trong tháng 9 giảm tốc và số việc làm mới không đạt như kỳ vọng, trong khi lĩnh vực sản xuất tại Mỹ, Đức và Trung Quốc đều không mấy tích cực.
Biên bản họp chính sách tháng 9 của Fed công bố hôm thứ Năm 8/10 cho thấy, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra lo ngại về rủi ro liên quan đến kinh tế Trung Quốc giảm tốc và hiệu ứng đô-mi-nô đến các nền kinh tế khác - ảnh hưởng xấu đến ngành xuất khẩu của Mỹ.
Jan Hatzius, nhà kinh tế tại Goldman Sachs, cho biết, thêm tin tức xấu về tình hình kinh tế có thể khiến Fed duy trì lãi suất cộn 0 trong thời gian dài hơn, có thể sang tận năm 2016 hoặc lâu hơn.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng rốt cuộc lãi suất của Mỹ sẽ tăng, năm nay hoặc năm tới. Triển vọng này sẽ kìm hãm đà tăng của giá vàng và các kim loại quý khác.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg