Giới đầu cơ quốc tế đang tìm cách kéo tụt giá tiêu Việt Nam
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), dự báo của IPC đưa ra tăng sản lượng kỷ lục như vậy là nhằm trục lợi cho giới đầu cơ. Theo dự báo của VPA, sản lượng vụ tiêu năm 2012 cả nước ước giảm khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ, đạt 95.000 - 100.000 tấn. VPA cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu trên 50% thị phần tiêu của thế giới.
Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng VPA khẳng định, chỉ có số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam về sản lượng hồ tiêu mới có giá trị. Mặt khác các nhà đầu cơ quốc tế nhân cơ hội IPC đưa tin này đã tìm cách ép giá tiêu Việt Nam để nhập khẩu, tìm kiếm lợi nhuận.
Theo VPA, trong quý I/2012, Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 31.000 tấn hồ tiêu, 70.000 tấn còn lại vẫn ở trong nước. Trong khi đó nguồn tiêu ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ đều đã cạn, nên các tập đoàn và giới đầu cơ quốc tế tìm mọi cách để Việt Nam ồ ạt bán ra với giá thấp. Họ sẽ tranh thủ mua tiêu Việt Nam đem về tích trữ, đến tháng 7-9 sẽ tung hàng ra bán với giá cao.
Có ý kiến cảnh báo, Việt Nam hãy cảnh giác với doanh nghiệp FDI kinh doanh tiêu tại Việt Nam. Trong xuất khẩu, họ chuyển giá rẻ về công ty mẹ nhằm trốn thuế và như vậy làm méo mó giá cả thị trường tại Việt Nam.
Trong tuần vừa qua, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam lại tăng lên 100 USD so với tuần trước đó. Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/l-FAQ có giá 6.100-6.150 USD/tấn và loại 550 Gr/l- FAQ chào mức 6.450-6.500 USD/tấn (FOB). Theo VPA, kết quả này là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu đã biết đoàn kết, điều tiết lượng bán ra để tăng giá.
VPA khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tỉnh táo trước mọi "chiêu" của đối phương, nông dân đồng lòng phối hợp cùng doanh nghiệp, nên tạm trữ hàng trong lúc giá thấp hiện nay.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu giá rẻ tức khắc mắc bẫy giới đầu cơ quốc tế và Ấn Độ, đồng thời doanh nghiệp sẽ khó đạt được dự tính xuất khẩu rẻ, mua vào rẻ.
Nguồn Vneconomy