Giấy chứng nhận đầu tư là trở ngại làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2014 diễn ra sáng nay (2/12), nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF đã bày tỏ quan ngại đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Theo đó, trở ngại đầu tiên làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài là yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư khi doanh nghiệp Việt Nam bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm công tác đề nghị chỉ yêu cầu Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua từ 51% cổ phần.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại với thời hạn ngắn từ 5 đến 10 năm của Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Trong trường hợp này nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro phải thành lý khoản đầu tư trong trường hợp Giấy chứng nhận đầu tư không được gia hạn.
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn cũng còn quá phức tạp, mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ và giải trình bổ sung những thông tin không cần thiết. Thời gian cấp phép cũng kéo dài vì những quy trình xin ý kiến lòng vòng giữa Sở Kế hoạch và đầu tư và Văn phòng UBND hoặc giữa Sở Kế hoạch và đầu tư với các bộ ngành. Có trường hợp Sở Kế hoạch và đầu tư không xử lý hồ sơ tới 2, 3 tháng vì chưa nhận được chỉ đạo...
Việc Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua mới đây được nhóm công tác đánh giá cao, cho rằng sẽ cải thiện tích cực tới quá trình đàm phán các hiệp định FTA. Tuy nhiên vẫn còn một số quan ngại, trong đó có việc phải đóng góp vốn pháp định trong vòng 90 ngày, điều này được cho là có thể ảnh hưởng không tốt tới dự án. Trong Luật đầu tư thì nhóm công tác quan ngại về việc thực thi các yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tại VBF 2014 (Nguồn: Gafin/DVH) |
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, về đóng góp vốn điều lệ trong vòng 90 ngày thì Luật đầu tư sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên quy định này với kỳ vọng nhằm công khai hóa năng lực huy động vốn của người thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư để thực hiện dự án, và cả vốn pháp định. Vốn điều lệ chỉ là vốn mà người thành lập doanh nghiệp đăng ký khi mà xin đăng ký thành lập doanh nghiệp cho nên họ có trách nhiệm phải nộp số tiền đăng ký này trong vòng 3 tháng, như vậy không khó khăn gì. Theo ông Vinh, đây là vốn mà chủ doanh nghiệp tự đặt ra thì phải tự nộp đủ. Vốn pháp định, vốn đầu tư dự án thì là vốn huy động trong quá trình thực hiện thì không có gì khó khăn, không ai bắt nộp.
Vấn đề về giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì Luật Đầu tư sửa đổi vẫn duy trì bởi thấy rằng cần thiết, mỗi quốc gia đều cần có điều kiện như vậy để các doanh nghiệp chân chính khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì đều có xem xét để được cấp giấy chứng nhận đầu tư về dự án của họ.
Sau khi có dự án đầu tư thì sẽ được thành lập doanh nghiệp. Luật Đầu tư sửa đổi đã sửa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư rất đơn giản, quy định rất rõ ràng trong luật nên ngoài những dự án có quy mô lớn cần chủ trương đầu tư của Chính phủ, Quốc hội thì các dự án còn lại chỉ cần 15 ngày là cơ quan phải cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thủ tục thành lập doanh nghiệp thì không được quá 3 ngày làm việc.
Đối với những dự án đầu tư nước ngoài thì thậm chí không cần thiết phải làm việc với các cơ quan, có thể đăng ký qua mạng. So với trước đây quy định là 45 ngày thì chỉ còn 15 ngày. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đang cụ thể hóa các văn bản dưới luật để quy định rất chi tiết thủ tục này, hạn chế tiếp xúc giữa người với người, chủ yếu qua mạng với mạng.
Nguồn DVO