Giật mình với nhập khẩu than
Bán thấp nhập cao
Theo con số cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2015 (tính đến 15-2) cả nước đã nhập khẩu 383.473 tấn than đá, tổng trị giá hơn 46,6 triệu USD. Con số này tăng tới 64,4% về lượng và gần 73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ nhập 233.255 tấn, trị giá 27 triệu USD).
Điều đáng nói hơn, nguồn than nhập khẩu của Việt Nam đến cả từ Trung Quốc- quốc gia mà từ nhiều năm qua luôn là thị trường nhập khẩu than lớn từ nước ta. Không những thế, vùng biển Đông Bắc vẫn luôn nóng về vấn đề xuất lậu than và không ít giả thiết cho rằng than xuất lậu đi vào nước láng giềng phương Bắc. Phải chăng các nguồn than chính ngạch và nguồn than không rõ nguồn gốc từ quốc gia này đang quay trở lại theo đường chính ngạch để cung cấp cho nước ta? Nếu quả đúng như vậy thì chúng ta đang phải nhập lại những gì đã bán nhưng sẽ ở mức giá cao hơn. Đơn cử như trong 9 tháng đầu của năm 2014, cả nước đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, với tổng giá trị kim ngạch hơn 92,5 triệu USD. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến 15-2-2015, cũng với sản lượng than xuất khẩu 321.512 tấn nhưng nước ta chỉ thu về được hơn 34,7 triệu USD- chỉ bằng 37,5% số tiền mà chúng ta phải bỏ ra để nhập lượng than gần như xấp xỉ từ Trung Quốc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) cho biết: Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330 tỷ kWh và năm 2030 là 695 tỷ kWh thì ngoài các nguồn thuỷ điện, nhiệt điện chạy dầu- khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than. Số lượng các dự án nhiệt điện than phải xây dựng của Quy hoạch điện VII là 61 dự án với tổng công suất là 71.710 MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là tới 171 triệu tấn. Còn theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 chỉ đạt 60- 65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn, trong khi than trong nước sản xuất không chỉ cung cấp cho điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác cũng như XK. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu, nước ta sẽ phải NK khoảng 100 triệu tấn than vào năm 2030.
Như vậy, việc nhập khẩu than trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 mới là sự khởi đầu cho việc biến nước ta từ vị thế nước xuất khẩu trở thành thị trường nhập khẩu than đá.
Nhức nhối than lậu
Vấn đề nhập khẩu than không còn là dự báo mà đã thành thực tế. Nhưng ở một diễn biến khác vấn đề quản lý, khai thác nguồn “vàng đen” này vẫn đang gợi lên nhiều bức bối về tình trạng than thổ phỉ, xuất lậu than.
Mới đây, Công an TP.Hạ Long (Quảng Ninh) đã khởi tố vụ án khai thác, vận chuyển hàng trăm tấn than lậu trên địa bàn. Vào ngày 3-3-2015, lực lượng Công an đã phát hiện 9 xe tải mang của nhiều chủ tư nhân khác nhau đang vận chuyển than về tập kết với số lượng than khoảng 140 tấn. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện thêm 300 tấn than khai thác trái phép được tập kết tại bãi tập kết thuộc khu đô thị Hà Khánh D (TP. Hạ Long).
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng các loại tàu có tải trọng từ 1.500 tấn đến 3.000 tấn để vận chuyển than, quặng với hóa đơn vận chuyển, mua bán nội địa. Khi thực hiện hải trình, các đối tượng cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, trà trộn vào các đội tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân hòng trốn tránh lực lượng chức năng, sau đó tìm cơ hội vượt biên, xuất lậu sang Trung Quốc. Năm 2014, cả nước đã bắt giữ được gần 33.000 tấn than lậu.
Nguồn Báo Hải quan