Giao quyền tự chủ cho các trường Đại học công lập
Lãnh đạo trường Đại học Tôn Đức Thắng, một Trường Đại học đã thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm 2008 bày tỏ cơ chế tự chủ đã giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.
Cùng với Đại học Tôn Đức Thắng, các trường Đại học Bách Khoa, Ngoại Thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM đều biểu thị sự ủng hộ đối với việc giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường, đồng thời ngay trong quá trình thí điểm, cần nghiên cứu để có các đề án về tự chủ đại học và đề án tài chính đại học để đại học Việt Nam thực sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng.
“Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù đúng” - Ông Trần Đình Thiên phát biểu.
Về nội dung này, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trương Chí Trung thông tin Bộ này đang chủ trì sửa đổi Nghị định 43 về quy chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó sẽ thay đổi cơ bản, tạo điều kiện cho các cơ sở công lập chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học được phép tham gia góp vốn, thực hiện cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp, do đó không có vướng mắc gì về mặt chủ trương, quan điểm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngoài Nghị định 43 đang sửa đổi, Chính phủ sẽ ban hành các Nghị định, Quyết định để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ đối với giáo dục đại học, mà cả trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học… vì thế giai đoạn thí điểm cũng sẽ nhanh chóng được đánh giá tổng kết để thực hiện tự chủ cho toàn bộ các đơn vị, vấn đề là các cơ sở, đơn vị sẽ đón nhận và chuẩn bị như thế nào.
Sau nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, các trường Đại học, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước ta khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược trong đó xem việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ là khâu đột phá chiến lược; Chính phủ đã có chương trình hành động triển khai chủ trương, Nghị quyết của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, song nhận thức chung cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đặc biệt, qua thực tiễn thực hiện tự chủ của một số trường đại học với nhiều mô hình thành công và kết quả bước đầu rất đáng hoan nghênh cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn.
“Tự chủ không chỉ để thực hiện được mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà quan trọng hơn là tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thừa nhận việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học còn chậm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thúc đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, từ tự chủ về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức và cán bộ, tự chủ về lương, thu nhập; tự chủ về chi thường xuyên, chi đầu tư.
Theo đó, tùy theo mức độ tự chủ và cam kết thực hiện tự chủ, các trường sẽ thực hiện tự chủ về chương trình đào tạo, và tùy theo mức độ tự chủ về tài chính sẽ thực hiện tự chủ về bộ máy, nhân sự, tiền lương, thu nhập. Về đầu tư xây dựng cơ bản, sẽ phân cấp mạnh hơn cho các trường. Về học phí, việc thực hiện thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo, khó khăn.
“Chúng ta đã có chủ trương, các văn bản quy định, thực tế cũng đã chứng minh về kết quả và tính đúng đắn, do đó, chúng ta cần tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những khiếm khuyết; khẳng định, phát huy và mạnh dạn hơn nữa để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, tạo điều kiện cho các trường phát triển và vươn lên” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Thủ tướng cũng lưu ý bên cạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường Đại học nhằm đảm bảo các trường Đại học hoạt động theo đúng luật pháp.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GDĐT tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, các trường Đại học tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường Đại học để đưa ra thảo luận vào thông qua trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014.
Nguồn Chinhphu.vn