Sau COVID-19 người học Việt Nam đã hình thành thói quen học online.

 
Hoàng Kim Thứ Hai | 01/04/2024 10:00

Giáo dục trực tuyến Việt Nam vượt khó đón cơ hội

Giá trị của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam đã tăng mạnh, chạm đến con số 3 tỉ USD.

Giáo dục trực tuyến Việt Nam bắt đầu hình thành từ khoảng năm 2006-2007, cùng với thời kỳ đầu tiên của nền kinh tế internet, với các đơn vị tiên phong khai phá thị trường như HOCMAI, Topica, …

Hành trình 17 năm qua của giáo dục trực tuyến có đủ thăng trầm từ những nhọc nhằn ban đầu cho tới cú hích lịch sử COVID-19, hay đối mặt với những thách thức hậu COVID-19. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực giàu tiềm năng, vẫn không ngừng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Thách thức hậu COVID-19

Năm 2019 thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam được định giá 2 tỉ USD với khoảng hơn 100 startup. Giai đoạn 2020-2021, COVID-19 với các đợt giãn cách xã hội khiến giáo dục trực tuyến trở thành lựa chọn duy nhất và phổ biến với 80% học sinh Việt Nam phải học online. Cùng với đó là sự tăng trưởng vượt bậc của ngành. Theo Nikkei, bước sang năm 2022, giá trị của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam đã tăng mạnh, chạm đến con số 3 tỉ USD, tổng vốn đầu tư rót vào các startup hoạt động trong ngành chính thức vượt mốc 200 triệu USD. 

Tuy nhiên, hậu COVID-19, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, năm 2023 được xem là năm khó khăn, thách thức nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây đối với các doanh nghiệp, 3 tháng đầu năm 2024 kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nhưng tổng số doanh nghiệp hoạt động vẫn giảm 14.100. Các doanh nghiệp giáo dục trực tuyến cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy.

Thách thức đầu tiên là sự sụt giảm số lượng người học online, hậu COVID-19 nhiều người quay trở lại với hình thức học offline truyền thống, điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành. “Các đợt phong tỏa chỉ là cú hích trong ngắn hạn của các EdTech Việt Nam. Giờ đây mọi việc đang trở lại bình thường”, bà Hồ Hồng Bảo Trâm, Giám đốc Điều hành Dream Viet Education, cho biết.

Bên cạnh đó, ngành cũng phải đối diện với những rào cản về hành lang pháp lý và quy chuẩn để phát triển mạnh và bền vững.

Vấn đề bản quyền nội dung giáo dục trực tuyến là một ví dụ. Để sản xuất được một chương trình học trực tuyến chất lượng, đội ngũ học thuật và phát triển chương trình của các đơn vị làm giáo dục nghiêm túc như HOCMAI phải đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm hàng năm trời. Tuy nhiên, rất nhanh sau khi ra mắt, sản phẩm đã bị sao chép để bán hoặc chia sẻ lậu tràn lan trên mạng. Tại Tọa đàm “EdTech Việt Nam và xu hướng cá nhân hóa trong học tập” do báo VnEconomy tổ chức vào tháng 8/2023, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc của Galaxy Education, đơn vị chủ quản của HOCMAI cũng đã nói về việc này. Theo ông Linh các nhà quản lý cần lưu tâm đến giáo dục trực tuyến hơn. Việc kiểm soát và quản lý các thông tin kỹ thuật số rất quan trọng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến giáo dục.

Ông Phạm Giang Linh cùng các chuyên gia giáo dục và đại diện các doanh nghiệp khác tại Toạ đàm “Edtech Việt Nam và xu hướng cá nhân hoá trong học tập”
Ông Phạm Giang Linh cùng các chuyên gia giáo dục và đại diện các doanh nghiệp khác tại Tọa đàm “EdTech Việt Nam và xu hướng cá nhân hóa trong học tập”.

Thêm vào đó là sự thiếu hụt các quy chuẩn về chương trình học cũng như quy chuẩn đầu ra làm cơ sở đánh giá chất lượng trong đào tạo trực tuyến, cũng như đảm bảo chất lượng kiến thức cho người học. Cho tới hiện tại, trong số hàng ngàn chương trình học trực tuyến trên thị trường, mới chỉ có chương trình học trực tuyến của HOCMAI được chứng nhận hợp chuẩn với chương trình giáo dục phổ thông bởi Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Về phía người học, hiện Việt Nam vẫn chưa có giải pháp công nhận bằng cấp thông qua việc học trực tuyến. Điều này khiến các mô hình dạy và học trực tuyến không được ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Ngoài ra, hệ luỵ mất niềm tin của cha mẹ học sinh từ những lùm xùm của một số đơn vị giáo dục được nhiều người biết đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup hay Trường Quốc tế Mỹ - AISVN, cũng khiến các công ty làm giáo dục chân chính bị ảnh hưởng.

Thị trường vẫn giàu tiềm năng

Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo mở Việt Nam năm 2023, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021. So với năm 2022, nếu như giá trị đầu tư chỉ thấp hơn khoảng 13% thì tổng số lượng thương vụ đầu tư có mức giảm mạnh 40%, khi chỉ còn 56 giao dịch được ghi nhận. Cũng theo báo cáo, trái ngược với xu hướng sụt giảm ở các lĩnh vực khác, giáo dục và y tế nhận được số vốn đầu tư tăng kỷ lục, gấp từ 1,8-4,3 lần so với năm 2022.

Còn báo cáo của Sách trắng EdTech Việt Nam 2023 cho thấy Việt Nam thuộc Top 10 thị trường phát triển nhanh nhất ngành công nghệ giáo dục trực tuyến với mức tăng trưởng hơn 44% mỗi năm.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam khi trao đổi với báo chí gần đây, bà Haina Xiang, Giám đốc Marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương của phần mềm học ngôn ngữ Duolingo nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường quốc tế quan trọng nhất của Duolingo. Đây là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Duolingo tại ASEAN”.

Gần đây nhất, startup dạy tiếng Anh trực tuyến NativeX tiếp tục nhận được khoản đầu tư 2,5 triệu USD từ Ansible Ventures và BluePrint Ventures vào tháng 1/2024. Điều này cho thấy chính các nhà đầu tư cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.

Sức hút của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam đến từ nhiều lý do như dân số trẻ nên nhu cầu đối với các sản phẩm giáo dục lớn, cả chính phủ và người dân đều coi trọng và đầu tư mạnh tay cho giáo dục, và mức chi này ngày càng cao. Từ phía chính phủ, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Năm 2022, Ngân sách Nhà nước chi tới 275.000 tỉ đồng cho giáo dục và đào tạo, chiếm 15,45% tổng chi tiêu ngân sách (tương đương 4-5% GDP), và được kỳ vọng sẽ tăng lên tối thiểu 20% Ngân sách Nhà nước hàng năm. Về phía người dân, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20-30% thu nhập để đầu tư giáo dục cho con cái, trong khi mức này ở các nước Đông Nam Á là từ 6-15% (Theo Bain & Company).

Thêm vào đó, Việt Nam còn sở hữu hạ tầng công nghệ và kết nối internet phát triển với tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 98,1%, sở hữu máy tính lên tới 58,5%, tỉ lệ người dân sử dụng internet lên tới 79,1%, và con số tuyệt đối 100% trường học có kết nối internet.

Không những thế, Chính phủ cũng rất ủng hộ hình thức học tập trực tuyến với việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ hình thức đào tạo trực tuyến đến 90% trường đại học, 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề.

Ngoài ra, sau 2 năm COVID-19, người học Việt Nam đã hình thành một thói quen mới là kết hợp việc học online với offline và tỉ trọng học online ngày một tăng lên, đặc biệt là trong nhóm người học từ 15 tuổi trở lên.

Gia tăng nội lực đón cơ hội

Tiềm năng và sức hút mạnh mẽ của giáo dục trực tuyến Việt Nam tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp startup trong ngành.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Do Ventures thì “những thách thức trong thị trường đầu tư sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn, nên việc gọi vốn và đạt được mức định giá cao không còn dễ dàng như một vài năm trước đây. Vì vậy các công ty sẽ cần tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng nền tảng tốt, giải quyết được bài toán đơn vị kinh tế (unit economics) thay vì tăng trưởng nóng”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc của Galaxy Education chia sẻ: “Không thể phủ nhận giai đoạn phong tỏa thời dịch bệnh khiến thị trường giáo dục trực tuyến tăng trưởng nóng và bây giờ nó đang trở lại chu trình bình thường. Nhưng đây không phải là chậm tăng trưởng, mà sau giai đoạn tăng trưởng nóng, chúng tôi bước vào giai đoạn tăng trưởng hợp lý và bền vững hơn đúng với quy luật vốn có của ngành này. Đây cũng là xu hướng của nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam khi chú trọng vào quản trị, vận hành và chất lượng sản phẩm”.

Xuất phát từ quan điểm đó, Galaxy Education đã không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình học thông qua việc ra mắt các dòng sản phẩm mới ưu việt hơn như HOCMAI TopClass, HOCMAI TopUni, Hệ thống phòng luyện thi HOCMAI.VN phục vụ phân khúc giáo dục phổ thông; EasyPass, EasySpeak và Phòng luyện thi IELTS trực tuyến với các gói tự luyện và thi thử dành cho người học Tiếng Anh; các khóa học lập trình nhí, Swift playgrounds, ICANTECH club dành cho các học viên nhí học lập trình, hay mở rộng và nâng cấp các khóa đào tạo chuyên sâu dành cho doanh nghiệp và người đi làm do FUNiX cung cấp.

Một buổi chia sẻ FUNiX tổ chức nhằm cung cấp thêm kiến thức về chuyên ngành Cloud Computing và triển vọng nghề nghiệp cho các học viên
Một buổi chia sẻ FUNiX tổ chức nhằm cung cấp thêm kiến thức về chuyên ngành Cloud Computing và triển vọng nghề nghiệp cho các học viên.

Bên cạnh đó, Galaxy Education cũng đầu tư ứng dụng công nghệ vào nâng cao trải nghiệm người học cũng như tối ưu hiệu quả vận hành của hệ thống. Nhờ áp dụng công nghệ A.I, người theo học các chương trình Tiếng Anh của đơn vị này giờ đây có thể luyện phát âm và luyện nói để chuẩn bị cho kỳ thi IELTS 100% với A.I mà không cần có giáo viên bên cạnh. Galaxy Education cũng đã dùng “giáo viên A.I” để chấm bài kiểm tra speaking và writing cho học sinh các lớp học tiếng Anh, giúp giảm chi phí đến 90% so với thông thường. Trong thời gian tới, đơn vị này cũng lên kế hoạch ứng dụng A.I trong việc kiểm soát chất lượng của từng buổi học bao gồm thời gian dạy thực, mức độ tương tác, giọng đọc, thậm chí sau mỗi buổi dạy A.I cũng sẽ giúp đánh giá tiến bộ của học sinh, cũng như khả năng truyền đạt kiến thức của thầy cô giáo, từ đó gửi báo cáo để đơn vị đánh giá chất lượng của từng buổi học, lên kế hoạch và lộ trình học tập chuyên biệt cho mỗi một cá nhân, giúp nâng cao trải nghiệm của người học.

Và cho tới hiện tại, trong số hàng ngàn chương trình học trực tuyến trên thị trường, mới chỉ có chương trình học trực tuyến của HOCMAI được chứng nhận hợp chuẩn với chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Hệ thống phòng luyện thi IELTS ảo ứng dụng công nghệ AI của thương hiệu ICANCONNECT thuộc Galaxy Education giúp các học viên luyện thi IELTS thử như thi thật
Hệ thống phòng luyện thi IELTS ảo ứng dụng công nghệ A.I của thương hiệu ICANCONNECT thuộc Galaxy Education giúp các học viên luyện thi IELTS thử như thi thật.

Không thể phủ nhận rằng từ COVID-19 tới nay, lĩnh vực giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng thời điểm thuận lợi này để thu hút vốn đầu tư, các doanh nghiệp startup trong ngành còn cần đầu tư củng cố và gia tăng nội lực bằng cách tập trung vào việc phát triển các giải pháp sáng tạo, xây dựng mối quan hệ đối tác, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như hướng đến mô hình phát triển kinh doanh mang lại giá trị và tăng trưởng bền vững.

Nguồn:

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2024 của Tổng cục Thống kê

Sách trắng EdTech Việt Nam 2023

Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam năm 2023