Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giáo dục ngày càng rõ ràng. Ảnh: Quý Hoà.
Giáo dục trên con đường thịnh vượng
Hàng Thái Lan và các nhà đầu tư đến từ đất nước nụ cười này trở thành hiện tượng đáng chú ý tại Việt Nam. Từ bán lẻ cho tới đầu tư hóa dầu, khu công nghiệp..., các đại gia Thái Lan đang xây dựng nền móng vững chắc tại những lĩnh vực quan trọng ở Việt Nam. Kéo theo đó là các tên tuổi lớn của Thái như ThaiBev, Central Group, CP Group, Siam Cement Group...
Lợi thế về tốc độ tăng trưởng
Sự xuất hiện của người Thái được chú ý hơn cả vì lâu nay, Việt Nam thường được so sánh với Thái Lan để đo lường mức độ tăng trưởng cũng như tiến bộ về kinh tế, xã hội. “Nếu nhìn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã vượt qua Thái Lan vào năm 2014, năm mà Thái Lan có đảo chính”, Tiến sĩ Phisit Amnuaykrung, chuyên gia về Việt Nam học, giảng viên Khoa Tiếng Việt ngành Nhân văn tại Đại học Kasetsart, nhận định.
Nếu xét về quy mô nền kinh tế, GDP của Thái Lan vẫn lớn hơn của Việt Nam. Năm 2021, GDP của Thái Lan trị giá 16.200 tỉ baht, trong khi Việt Nam là 13.760 tỉ baht. Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng của đầu tư nước ngoài và sự phục hồi sau COVID-19, cùng với sức mua nội địa tăng mạnh, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng cao hơn Thái Lan.
World Bank dự báo GDP của Việt Nam vào năm 2022 là 7,2%, trong khi của Thái Lan là 3,1%. Nhìn lại 12 năm trước và xem xét dòng vốn FDI vào khu vực ASEAN, trong 5 quốc gia, thì Thái Lan nhận được xấp xỉ 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài, còn Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 10%. Tuy nhiên, 12 năm sau, trật tự đã đảo ngược. Thái Lan chỉ nhận được 10% vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam là khoảng 30%.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để vượt qua kinh tế Thái Lan. Có thể thấy Việt Nam có số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều gấp 3 lần Thái Lan. Cạnh tranh về chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chính sách kiểm soát đại dịch tại đại lục đã dẫn đến làn sóng hàng loạt công ty di chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, thay vì Thái Lan.
Tình hình kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển khá thuận lợi. Gần đây, PwC đã đưa ra những nhận định về vị trí của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo kết quả của nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của PwC - một dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất - Việt Nam xếp thứ 32 trong danh sách này. Các chuyên gia của PwC cho rằng, sẽ có sự chuyển dịch kinh tế từ các nước đã phát triển sang các nước có nền kinh tế mới nổi. Do đó, thứ hạng dựa trên GDP giữa các nước cũng sẽ có sự thay đổi lớn. PwC chỉ ra Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh sẽ là những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050, mức tăng trưởng hằng năm khoảng 5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, đến năm 2027, quy mô GDP (PPP) của Việt Nam được dự báo vượt mốc 2.000 tỉ USD, cụ thể là đạt 2.001 tỉ USD, xếp thứ 2 trong khối ASEAN-6.
So sánh với Thái Lan là cách để đo lường tốc độ cũng như chất lượng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Vượt qua Thái dường như là một “giấy chứng nhận” cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam tại khu vực trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045.
“Khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là thách thức lớn, khi trên toàn cầu chỉ có khoảng 15-18 quốc gia đạt được mục tiêu này”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho biết. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh bên cạnh thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn chưa triển khai mạnh mẽ các định hướng chính sách thời gian qua.
Giáo dục nâng chất lượng tăng trưởng
Đại diện của World Bank cho biết, Việt Nam có 5 nhóm cải cách thể chế cần ưu tiên. Đó là hình thành nền tảng thể chế vững chắc để biến ưu tiên phát triển thành hành động cụ thể; hài hòa quy trình thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp, các ngành; sử dụng các công cụ thị trường để tạo động lực trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; thực thi hiệu quả quy định và quy tắc nhằm nâng cao động lực, lòng tin và sự công bằng; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đáng chú ý, bà Carolyn Turk cho rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 2-3% mỗi năm, phản ánh hiệu suất lao động cao. Việc này có thể được thực hiện bằng cách đầu tư vào giáo dục, một phần quan trọng của đầu tư và cải cách tổng thể, cũng là cần thiết cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Báo cáo của World Bank cũng khuyến nghị, nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao, sẽ có hơn 3,8 triệu sinh viên Việt Nam theo học đại học, gần gấp đôi số sinh viên Việt Nam vào năm 2019.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và giáo dục ngày càng rõ ràng. Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 nền tảng: IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) và A.I (trí tuệ nhân tạo). Từ đây, nhiều hình thức kinh doanh mới, cung cấp dịch vụ mới được ra đời làm cho các mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống trở nên lạc hậu, kém hiệu quả và người ta không sử dụng nữa. Sự dịch chuyển này đòi hỏi những lao động có tri thức, kỹ năng mới, thậm chí là ngang bằng các nước phát triển.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng như cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam không dễ dàng khi theo thống kê, lực lượng lao động tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chiếm 61,2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 38,8%.
Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 nền tảng: IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn) và A.I (trí tuệ nhân tạo). Ảnh: RMIT. |
Ngày càng nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành Manpower Group Việt Nam, cho rằng lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam hiện chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Qua khảo sát của Manpower Group, hiện có khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.
“Trình độ học vấn thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam gần đây được xác định là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực, làm giảm hiệu suất công nghiệp và khả năng cạnh tranh của đất nước, hội nhập toàn cầu”, nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) khuyến nghị.
Đến nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ, thiếu trầm trọng những lao động lành nghề, nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam được định hướng sẽ tạo sức bật bằng mô hình kinh tế số, bắt kịp các trào lưu công nghệ mới nhất trên thế giới... Trong khi đang có ưu thế về những con số tăng trưởng GDP thì Việt Nam còn cách xa các con số về giáo dục của Thái Lan.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam đứng thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS (dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không). Thứ hạng này của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2020, nhưng vẫn xếp sau một số nước tại Đông Nam Á (Singapore hạng 21, Malaysia hạng 38, Thái Lan hạng 46, Indonesia hạng 54, Philippines hạng 55).
Mối quan hệ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế luôn được coi là mối quan tâm cơ bản của nhiều nhà kinh tế cũng như chính phủ. Một nền kinh tế thành công và gia tăng khả năng cạnh tranh nhờ xây dựng được lực lượng lao động trong những lĩnh vực tiên tiến nhất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng GDP từ 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng GDP.
Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng để chuyển mình trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Vì vậy, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung cầu lao động, qua đó giáo dục thực sự đi vào mục tiêu lớn là nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam trong toàn cầu hóa.