Giao dịch liên ngân hàng đột ngột giảm mạnh gần 50%
Lãi suất giao dịch bình quân bằng VNĐ các kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tuần và kỳ hạn 12 tháng đều tăng. Trong đó, kỳ hạn 2 tuần tăng 0,15%, các kỳ hạn còn lại có mức tăng từ 0,6% (kỳ hạn qua đêm) đến 1,5% (kỳ hạn 3 tuần). Các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng, lãi suất giao dịch bình quân giảm, với các mức giảm lần lượt là 0,75%, 3,35% và 0,29%. Các kỳ hạn 2 tháng và từ 6 tháng trở lên giao dịch phát sinh không đáng kể. Trong tuần không phát sinh giao dịch kỳ hạn 6 tháng và trên 12 tháng.
Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất bình quân kỳ này giảm đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tháng lần lượt 0,20% và 0,23%. Các kỳ hạn còn lại, lãi suất giao dịch bình quân tăng, trong đó kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 3 tháng có các mức tăng lần lượt là 0,18%, 0,41% và 0,08%. Các kỳ hạn 3 tuần, 2 tháng và 6 tháng có các mức tăng từ 1,07% đến 1,72%. Các kỳ hạn 3 tuần, 2 tháng và 6 tháng giao dịch phát sinh không đáng kể, giao dịch kỳ hạn từ 9 tháng trở lên không phát sinh.
Tỷ giá niêm yết mua, bán VNĐ/USD của các ngân hàng thương mại hiện đang phổ biến quanh khoảng 20.820/ 20.860 đồng/USD. |
Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm khoảng 0,5%/năm. Hiện nay, lãi suất của TCTD phổ biến ở mức 1-2%/năm, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7,8-8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10-11%/năm (một số NHTM cổ phần có quy mô nhỏ vẫn duy trì lãi suất huy động khoảng 12%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng). Đối với USD, lãi suất huy động phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức.
Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 9-12%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn và 6-8%/năm đối với trung, dài hạn.
Nguồn Vietstock