Giao dịch ETF tại Việt Nam sẽ khác với FTSE hay Market Vector như thế nào?
Hai Sở GDCK Hà Nội và HCM đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quảng bá sản phẩm ETF cho giới đầu tư nhằm chuẩn bị đưa sản phẩm ETF vào giao dịch trong quý III/2014 tới đây. Đây là một sản phẩm mới xuất hiện trên TTCK Việt Nam nhằm giúp các quỹ thu hút vốn mới cũng như cung cấp thêm cho nhà đầu tư các sản phẩm đầu tư nhằm hạn chế rủi ro.
Ở thời điểm hiện tại các nhà đầu tư đã bắt đầu quen dần với các giao dịch của ba quỹ ETF đang đầu tư tại Việt Nam là MSCI, FTSE và Market Vector Vietnam ETF. Các công ty chứng khoán cung cấp hàng ngày cho các nhà đầu tư biến động số lượng chứng chỉ quỹ tại các quỹ ETF này nhằm theo dõi lượng tiền ra vào các quỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, việc dự đoán hành động của các quỹ ETF hàng quý cũng được dự báo chính xác hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, giao dịch ETF ở Việt Nam sẽ khác thế nào so với các quỹ trên?
Khác biệt lớn nhất là ở thị trường sơ cấp giữa các thành viên lập quỹ (AP - authorized participant) và công ty quản lý quỹ, còn giao dịch trên thị trường thứ cấp sẽ y hệt như giao dịch cổ phiếu trên sàn (biên độ, thời gian T+3, lô 100 chứng chỉ quỹ…) và cùng giao dịch trên hệ thống bảng giao dịch cổ phiếu sẵn có của HNX.
Thông thường hàng ngày NĐT theo dõi FTSE và Market Vector phát hành được bao nhiêu chứng chỉ quỹ, tương đương với NĐT rót tiền vào quỹ bao nhiêu và quỹ sẽ giải ngân vào các cổ phiếu trong danh mục theo tỷ lệ tương ứng. Nghĩa là NĐT rót vốn vào quỹ bằng tiền.
Tuy nhiên trên thị trường sơ cấp tại Việt Nam, theo quy định tại thông tư 226, các AP và NĐT trao đổi với CT QLQ theo hình thức hàng đổi hàng chứ không phải bằng tiền như NĐT tại FTSE hay Market Vector. (AP và công ty quản lý quỹ trao đổi danh mục cho nhau không xuất hiện tiền). Lý do là các nhà đầu tư quốc tế khi rót tiền vào Market Vector hay FTSE không có tài khoản để mua chứng khoán tại TTCK Việt Nam và để hạn chế phí và các thủ tục, các quỹ này chấp nhận cho NĐT rót vốn trực tiếp bằng tiền và việc thực hiện mua bán cổ phiếu đều do quỹ thực hiện.
Việc này thực hiện như thế nào?
Mỗi quỹ muốn giao dịch sẽ phải có tối thiểu 2 AP (để tránh hiện tượng làm giá), một lô giao dịch sẽ là 100.000 chứng chỉ quỹ ETF (NĐT muốn giao dịch trên thị trường sơ cấp cũng phải mua tối thiểu 1 lô 100.000 ccq, đặt lệnh thông qua AP).
Các AP sẽ mua cổ phiếu trong rổ danh mục cơ cấu theo đúng tỷ lệ trên sàn (ví dụ lô chứng chỉ quỹ bao gồm 1.000 cổ phiếu A, 2.000 cổ phiếu B, 3.000 cổ phiếu C…).
AP nhập lệnh phát hành cho công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát xác nhận, kết quả phát hành sẽ được chuyển sang hệ thống thanh toán của VSD, VSD chuyển cổ phiếu trong danh mục của AP sang cho công ty quản lý quỹ và chuyển chứng chỉ quỹ ETF sang cho AP (cổ phiếu đổi chứng chỉ quỹ ETF).
Để hạn chế rủi ro, các AP và công ty quản lý quỹ có thể thực hiện các giao dịch hoán đổi arbitrage, cơ chế giao dịch này sẽ giúp cho giá của chứng chỉ quỹ ETF luôn theo sát với NAV (xem thêm cơ chế giao dịch arbitrage thực hiện như thế nào).
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại VSD vẫn chưa hoàn tất hệ thống vay và cho vay chứng khoán nên các AP tạm thời chưa thực hiện được giao dịch này.
Vì NĐT nước ngoài không bị giới hạn mua chứng chỉ quỹ ETF, nhưng nếu việc giao dịch hoán đổi dẫn tới việc vượt quá quy định về room cho NĐT nước ngoài hoặc các giới hạn sở hữu khác thì thay vì công ty quản lý quỹ trả lại AP bằng cổ phiếu thì sẽ thực hiện thanh toán bằng tiền (sau khi bán CK cơ cấu).
Các Sở GDCK đang kỳ vọng sự ra đời của các quỹ ETF sẽ tạo động lực thúc đẩy thanh khoản ra thị trường. Trước đó VF1 công bố đã nộp hồ sơ lập quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30, Sở GDCK cũng tiết lộ có tổ chức muốn lập quỹ ETF mô phỏng chỉ số HNX30, dự kiến quý 3/2014 sẽ giao dịch.
Nguồn NDHMoney