Thứ Ba | 01/12/2015 08:00

Gian nan đầu ra cho lốp xe radial

Nửa đầu năm 2015, Casumina mới chỉ hoàn thành 40% mục tiêu tiêu thụ tối thiểu của lốp radial.

Công ty Cổ Phần Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) đã có một quý kinh doanh đạt LỢI NHUẬN thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân được xác định là ở nhà máy sản xuất lốp radial. Do phải khấu hao nhà máy, giá vốn của Casumina trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 31%, trong khi doanh thu lại tăng thấp hơn. Thực tế, lốp radial tốt, bền, đẹp hơn lốp bias (loại lốp truyền thống) nhưng với hạ tầng hiện tại của Việt Nam, lốp bias vẫn được khách hàng ưa chuộng.

Việc đầu tư nhà máy radial đã đẩy Casumina vào nhiều khó khăn, đó là chi phí lãi vay tăng, vòng quay hàng tồn kho giảm, vòng quay khoản phải thu giảm. Tất cả các khó khăn trên đã được lãnh đạo Casumina lường trước. Bởi thế, trong kế hoạch năm 2015, Casumina đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 13% so với cùng kỳ, còn 370 tỉ đồng.

Dù vậy, vẫn còn những trở ngại mà Casumina đã không dự trù hết. Cụ thể, mức tiêu thụ sản phẩm lốp radial đã không được như mong đợi. Sau 8 tháng đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất lốp radial, theo báo cáo thường niên năm 2014, Casumina chỉ tiêu thụ được 25.000 chiếc. Nửa đầu năm 2015, Công ty cũng chỉ mới hoàn thành 40% mục tiêu tiêu thụ tối thiểu, còn khá xa để đạt tới điểm hòa vốn, chứ chưa nói đến kỳ vọng sau khi nhà máy hoàn thành, ghi nhận thêm 5.000 tỉ đồng mỗi năm.

Trong khi đó, Công ty Cao su Đà Nẵng (DRC) dù đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất radial sớm hơn Casumina một năm và đặt kỳ vọng thay thế lốp radial nhập khẩu, nhưng tình hình tiêu thụ lốp radial của Công ty vẫn không khá hơn. Cả năm 2013, Cao su Đà Nẵng chỉ bán được hơn 14.000 chiếc trong khi tiêu thụ lốp radial của cả thị trường là 800.000 chiếc. Năm 2015, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu tiêu thụ lên tới 240.000 chiếc, nhưng đến hết tháng 9 năm nay, Công ty mới chỉ đạt được phân nửa mục tiêu đề ra.

Các công ty nội địa vốn định vị thương hiệu ở phân khúc lốp bias nên đang gặp khó khăn khi chơi ở phân khúc lốp radial. Casumina và Cao su Đà Nẵng trông chờ nhiều vào những yếu tố khách quan, như chính sách, quá trình nâng cấp đường sá..., sẽ giúp thúc đẩy lượng tiêu thụ lốp radial tại thị trường nội địa.

Trước mắt, các doanh nghiệp đang tìm cách đẩy mạnh bán hàng, như hạ giá bán, chấp nhận biên lợi nhuận thấp. Năm 2014, trong khi biên lợi nhuận gộp lốp ôtô bias của Cao su Đà Nẵng là 29,6% thì con số này ở lốp radial là 19,7% (đã loại bỏ yếu tố khấu hao).

Dù vậy, khi so sánh với lốp radial Trung Quốc, giá sản phẩm của Việt Nam vẫn cao hơn 10-15%. Thêm vào đó, chiết khấu cho đại lý của Trung Quốc cao gấp 5-8 lần so với mức chiết khấu của các công ty trong nước. Vì thế, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nếu như có chuyển đổi thói quen thì lốp radial Trung Quốc sẽ là lựa chọn ưu tiên hơn của khách hàng.

Các công ty sản xuất lốp radial nội địa cũng không thể hưởng lợi từ mức tiêu thụ ôtô tăng mạnh. Bởi lẽ, cả Cao su Đà Nẵng lẫn Casumina đều chủ yếu cung cấp lốp cho dòng xe tải trong nước, trong khi sự đột biến về tiêu thụ ôtô của Việt Nam lại diễn ra ở dòng xe nhập khẩu.

Mặc dù vậy, các công ty vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành lốp xe. Bởi lẽ, tỉ lệ sử dụng lốp radial của Việt Nam vẫn thấp so với các nước phát triển (80-95%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (52%), theo Xerfi Global. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Thị trường TechSci dự đoán, quy mô thị trường săm lốp Việt Nam có thể tăng gấp 3-4 lần hiện tại, đạt mốc 2,7 tỉ USD vào năm 2020.

Gian nan dau ra cho lop xe radial
Tiêu thụ lốp radial của Cao su Đà Nẵng và Casumina

Trước nhu cầu tiêu thụ ôtô gia tăng, đặc biệt trong phân khúc lốp xe ôtô cỡ nhỏ và dòng sản phẩm lốp xe thay thế (80% tổng nhu cầu), Casumina và Cao su Đà Nẵng vẫn tự tin đeo đuổi chiến lược đầu tư như đã vạch ra từ trước.

So với nhóm doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), mức đầu tư của các công ty trong nước vẫn khá khiêm tốn. Mới đây nhất, Kenda (Đài Loan) đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất săm lốp xe thứ 2 tại Việt Nam, với vốn đầu tư 160 triệu USD.

Trước Kenda, cuối năm 2014, Bridgestone Việt Nam (thuộc Bridgestone Nhật) đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp radial tại Hải Phòng. Nhà máy có vốn đầu tư gần 448 triệu USD, cho sản lượng 6.000 lốp ôtô/ngày. Quy mô sản xuất sẽ còn tăng lên gấp đôi vào cuối năm nay, gấp 3 vào nửa đầu năm 2016 và gấp 8 lần vào nửa cuối năm 2017, theo chia sẻ của ông Tetuo Kunitake, Tổng Giám đốc Bridgestone Việt Nam. Kumho Tire (thuộc Kumho Asiana, Hàn Quốc) cũng rót thêm 100 triệu USD để nâng công suất nhà máy sản xuất lốp xe lên 5 triệu chiếc/năm.

Đặc điểm của Bridgestone, Kenda, Kumho là tập trung sản xuất các lốp mà Việt Nam chưa thể làm, như lốp xe du lịch. Tuy nhiên, trước những chuyển biến tươi sáng từ thị trường ôtô Việt Nam, động thái đầu tư mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp FDI có khả năng đe dọa đến mục tiêu giành thị phần ở lốp xe ôtô cỡ nhỏ của Casumina và Cao su Đà Nẵng.

Xuất khẩu cũng là hướng tiêu thụ được các công ty tính đến. Thời gian qua, Cao su Đà Nẵng đã hoàn tất các chứng chỉ DOT, EMARK về chất lượng lốp radial, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Rồng Việt, đây là bước làm thương hiệu hơn là tấn công vào các thị trường khó tính. Bởi giá bán lốp radial tại Mỹ đang thấp hơn mức giá được Cao su Đà Nẵng chào bán trong nước. Năm 2014, công ty này đã gia tăng xuất khẩu, chiếm 11% tổng doanh thu nhưng chủ yếu là đưa hàng sang các nước như Thái Lan, Brazil, Ghana và Iraq.

Đối với Casumina, triển vọng xuất khẩu lốp radial đến từ hợp đồng ký kết với đối tác Mỹ. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông, lãnh đạo Casumina cho biết, Công ty vẫn đang xin cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, trước khi có thể gia tăng xuất khẩu. Casumina cần ít nhất một năm để sản phẩm mới thăm dò thị trường, tạo khuôn đặc chủng cho từng nhu cầu và đưa ra mức giá hợp lý, có tính cạnh tranh. Trước mắt, việc xuất khẩu sang Mỹ mới dừng ở mức độ chào hàng và thử phản ứng thị trường. Lâu dài, Casumina đặt mục tiêu xuất khẩu đóng góp 50% vào tổng doanh thu Công ty.

Con đường xuất khẩu ra nước ngoài của các công ty Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc, quốc gia sản xuất săm lốp lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 31% sản lượng toàn cầu. Trong bối cảnh đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm và bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với săm lốp, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các nước khác, trong đó có Việt Nam và các thị trường của doanh nghiệp Việt Nam.

Viết Nguyên