Thứ Năm | 08/05/2014 07:29

Giàn khoan tiếp cận Hoàng Sa, học giả Trung Quốc phản đối

Học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.
Trên blog cá nhân trên trang 163.com, học giả Lý Lệnh Hoa đã viết vào ngày 6/5: Là một trong những nước ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Ông Lý Lệnh Hoa từng là thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc. Ông cũng từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường lưỡi bò" là đường biên giới quốc gia.

Ngược lại với quan điểm của học giả Lý Lệnh Hoa và trước sự phản đối của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, hôm 6/5, tờ Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài xã luận tựa đề "Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Hà Nội", khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.

Tờ Thời báo Hoàn cầu tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp với Việt Nam và tờ này còn cho rằng Trung Quốc nên có thái độ cứng rắn với Việt Nam.

"Hoạt động giàn khoan này không bao giờ ngừng lại như Việt Nam muốn. Nếu ngừng lại, đây sẽ là một thất bại lớn đối với chiến lược biển Đông của Trung Quốc" - Thời báo Hoàn cầu viết.

Hôm 6/5, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì để phản đối giàn khoan HD-981 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, thuật lại cuộc điện đàm này, Tân Hoa Xã cho thấy ông Dương Khiết Trì ngang ngược "kêu gọi phía Việt Nam không nên can thiệp các hoạt động của các công ty Trung Quốc ở khu vực quần đảo Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Ông này nói rằng Việt Nam "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc khi can thiệp vào các hoạt động bình thường của công ty Trung Quốc" ở quần đảo Hoàng Sa. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cho rằng đây là "một phần lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp".

Trong một diễn biến khác, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đánh giá Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm cũng như vị trí dựng giàn khoan khổng lồ trị giá hàng tỷ USD mang tên "HD 981" ở Biển Đông. Về vị trí, giàn khoan này được đặt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một nước mà Trung Quốc cho rằng có thể dễ dàng "bắt nạt". Còn về thời điểm, giàn khoan được dựng lên ngay sau chuyến thăm gây chú ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến 4 nước châu Á. Trung Quốc quyết định lắp đặt HD 981 vào thời điểm này là nhằm "nắn gân" Tổng thống Obama, cũng như thử độ phản ứng của Mỹ trước những diễn biến căng thẳng trong khu vực, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Mỹ vừa liên tiếp đưa ra các cam kết bảo vệ đồng minh trong chuyến thăm châu Á.

Mới đây, ngày 6/5, trong chuyến thăm Hồng Kông (Trung Quốc), ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Mỹ đang điều tra động thái di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc mà Việt Nam nói rằng đã đi vào vùng biển của Việt Nam.

Cùng ngày, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng cho rằng quyết định của Trung Quốc vận hành giàn khoan trong vùng biển này là bước đi mang tính khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực.

Nguồn Seatimes


Sự kiện